Cái bắt tay nhiều tính toán
Quốc tế 26/03/2019 09:19
Các thỏa thuận được kí có giá trị ban đầu là 2,5 tỉ euro và có thể sẽ tăng lên tới 20 tỉ euro sau đó. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này được đánh giá là thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là khi hai bên kí 10 thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như giao thông vận tải, năng lượng, thép, tài chính và đóng tàu. Sau 15 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại song phương hai nước hiện đã vượt mức 50 tỉ USD. Đặc biệt, việc Italy trở thành nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đầu tiên tham gia BRI của Trung Quốc. Italy, đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế khi đã rơi vào tình trạng “suy thoái kĩ thuật”, kì vọng sẽ có được những cơ hội đầu tư và thương mại to lớn từ dự án này. Về phần Trung Quốc, việc thu hút được Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tham gia BRI, có thể coi là một thành công, qua đó mở cánh cửa tiến sâu vào châu Âu.
Tuy nhiên, cái bắt tay giữa lãnh đạo hai nước đang khiến một số nước Liên minh châu Âu (EU) quan ngại, cho rằng thỏa thuận giữa Italy và Trung Quốc có thể làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU bởi lâu nay EU vẫn chỉ trích BRI chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho các công ty của Trung Quốc và có khả năng tạo nên các “bẫy nợ” ở những nước nghèo. Mỹ cũng tỏ ý phản đối Italy tham gia BRI, đồng thời cảnh báo việc này có thể làm giảm uy tín của Italy trên trường quốc tế. Việc tham gia BRI cũng có khả năng làm gia tăng những căng thẳng giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Italy. Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khẳng định bản MoU giữa Italy và Trung Quốc sẽ không gây bất kì mối nguy cơ nào cho lợi ích quốc gia của Italy và “hoàn toàn phù hợp với chiến lược của EU”. Với việc tham gia BRI, Italy có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng. Phó Thủ tướng Di Maio thì nhấn mạnh, Italy vẫn duy trì quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ, trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như với các đối tác châu Âu khác. Chính phủ Italy đang cùng lúc đối mặt nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn đối ngoại. Quan hệ giữa Italy với EU thời gian qua luôn căng thẳng do một loạt mâu thuẫn gia tăng liên quan đến nhiều vấn đề như chính sách nhập cư, ngân sách… người ta đã nhắc tới kịch bản Italy “nối gót” Anh rời EU. Nếu vấn đề trên không sớm được giải quyết, những hệ lụy xã hội sẽ xảy ra, và chính trường Italy sẽ quay trở lại thời kì bất ổn. Việc Italy kí MoU với Trung Quốc có thể chỉ khiến Italy phần nào ngả về không gian ảnh hưởng đang mở rộng của Bắc Kinh, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy “sự quay ngoắt 180 độ về mặt chiến lược” của Rome đối với phương Tây. Thỏa thuận BRI của Italy với Trung Quốc có lẽ mục tiêu cao nhất của Bắc Kinh là nhằm tạo dựng ảnh hưởng đối với EU thông qua Italy. Trước khi BRI được công bố năm 2013, đầu tư của Trung Quốc vào Italy, hoặc các nước châu Âu khác vẫn không hề bị cản trở. Trong 15 năm qua, Anh đã thu hút khoảng 90 tỉ euro đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Đức đã thu hút khoảng 45 tỉ euro và Italy 22 tỉ euro. Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều cảng biển ở châu Âu, trong đó có một số cảng nằm ở những nước mà có lẽ sẽ không bao giờ tham gia BRI, như Pháp và Hà Lan. BRI có ý nghĩa mang tính biểu tượng khá lớn. Italy là thành viên sáng lập EU, nhà sản xuất các sản phẩm công nghiệp lớn thứ hai châu Âu (sau Đức), thành viên G7 đồng thời cũng là một trụ cột trong NATO. Đây là điều quan trọng trong bối cảnh EU đang tái đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc. Uỷ ban châu Âu mới đây đã coi Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh về kinh tế”. Dù Italy không phải là đồng minh, song một số nhà phân tích cho rằng Rome có thể sẽ ít nhiều ngả theo hướng có lợi cho chương trình nghị sự chiến lược của Trung Quốc. Đây lại là một vấn đề đối với EU. Lí do là EU, bất chấp Brexit, vẫn tồn tại và vẫn đang đàm phán về các thỏa thuận thương mại nhân danh các nước thành viên. Italy sẽ có tiếng nói quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu của EU. Nếu Italy tác động nhằm xóa bỏ những khía cạnh gây bất lợi cho Trung Quốc trong bất kì đề xuất chính sách mới nào của EU, việc này có thể được coi là “món quà” với Bắc Kinh.