Cách chữa chứng mất ngủ ở người già không cần dùng thuốc
Bệnh người già 24/07/2020 09:38
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người già
Mất ngủ là một rối loạn thường gặp ở tất cả lứa tuổi, nhưng xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, và đặc biệt là người già. Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi thường là do giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị thức giấc hơn), thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng hồi phục các chức năng khi cơ thể bị lão hóa, các bệnh lý (sa sút trí tuệ, tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm...).
Mất ngủ là một rối loạn thường gặp ở tất cả lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Ảnh minh họa |
Thông thường, nguyên nhân chính gây mất ngủ ở người cao tuổi được chia thành 4 nhóm:
- Bệnh gây rối loạn giấc ngủ tiên phát: Phổ biến nhất là chứng ngừng thở khi ngủ, thường gặp ở người béo phì hoặc các hiện tượng chân tay tự cử động về đêm gây thức giấc.
- Bệnh gây rối loạn giấc ngủ thứ phát: Bao gồm các bệnh về xương khớp (loãng xương, thoái hóa khớp...), thiếu máu cơ tim gây đau ngực, tiểu đêm (do u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường), khó thở (do suy tim, viêm phế quản, hen).
- Bệnh lý tâm thần kinh: Trầm cảm là yếu tố lớn nhất liên quan đến rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Ngoài ra, các rối loạn tâm thần khác có thể gây mất ngủ ở người già như lo âu quá mức, sa sút trí tuệ.
- Dược phẩm: Các loại thuốc corticoid, nội tiết tố tuyến giáp, thuốc điều trị bệnh thần kinh hoặc trầm cảm, các thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc hạ huyết áp Methyldopa… cũng là nguyên nhân gây mất ngủ. Ngoài ra, một số dược phẩm được coi là thuốc ngủ như benzodiazepine (Seduxen) nhưng lại có thể khiến người già ngủ nhiều hơn vào ban ngày và tỉnh táo vào ban đêm.
Khi bị mất ngủ thường xuyên có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, suy giảm trí nhớ, nguy cơ cao mắc các bệnh thần kinh, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, gan mật...
Cách chữa chứng mất ngủ ở người cao tuổi không cần dùng thuốc
Luyện tập thể thao đều đặn
Luyện tập thể thao giúp cải thiện giấc ngủ. Ảnh minh họa |
Người cao tuổi nên lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp như đi bộ, đạp xe, chạy bộ chậm hoặc bơi lội để có giấc ngủ ngon và sâu hơn. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn giúp cơ thể dẻo dai, tình thần thoải mái và phòng chống nhiều bệnh tật.
Tránh xa các chất kích thích
Người cao tuổi nên tránh xa các loại thức uống gây mất ngủ như cà phê, trà, nước ngọt có ga, rượu, bia hay thuốc lá. Caffein làm chặn tác dụng của adenosin, một hóa chất của não để thúc đẩy giấc ngủ. Trong khi, nicotin trong thuốc lá khiến cơ thể khó rơi vào giấc ngủ và khó ngủ yên giấc.
Ngủ trưa ngắn
Nếu không thể tỉnh táo vào buổi chiều, người cao tuổi có thể ngủ trưa ngắn từ 15 - 20 phút. Tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày, sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.
Thiết lập một lịch ngủ khoa học
Một lịch ngủ khoa học thường xuyên sẽ giúp đồng bộ hóa chu kỳ giấc ngủ/thức. Cố gắng thiết lập giờ đi ngủ và giờ thức dậy, đồng thời tạo không gian yên tĩnh khi ngủ, bao gồm các điều kiện hạn chế ánh sáng, tiếng ồn và duy trì nhiệt độ phòng phù hợp…
Không nhìn đồng hồ
Việc nhìn đồng hồ càng gây khó khăn hơn trong việc trở lại giấc ngủ. Vì vậy, hãy xoay mặt đồng hồ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ
Để giảm thiểu đi tiểu đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, người cao tuổi không nên uống bất cứ loại nước gì trong 2 hoặc 3 giờ trước khi đi ngủ.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh giúp người già có giấc ngủ ngon hơn. Ảnh minh họa |
Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất, người cao tuổi nên kết thúc bữa ăn tối 2 giờ trước khi ngủ để không gây nặng nề lên hệ tiêu hóa và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu cần bữa ăn nhẹ vào buổi tối, có thể ăn một ít đồ ăn dễ tiêu như táo, sữa chua, ngũ cốc và sữa.
Nếu áp dụng những cách chữa chứng mất ngủ trên vẫn không mang lại hiệu quả, người cao tuổi cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.