Bộ Tài chính: Chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023
Y tế 10/06/2023 07:44
Kinh phí mua vắc xin tiêm chủng mở rộng tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm
Bộ Tài chính cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt 03 CTMTQG, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ sở bố trí nguồn kinh phí mua vắc xin tiêm chủng mở rộng khi không còn thực hiện cơ chế CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (tại Điều 29 và Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Khoản 2 Điều 14, Khoản 2 Điều 21 và khoản 3 Điều 23, Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Khoản 2 Điều 2, Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030); không có quy định ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc xin trong tiêm chủng mở rộng mà thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp NSNN. Theo đó, kinh phí mua vắc xin tiêm chủng mở rộng tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.
Chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 |
Trên cơ sở đó, từ năm 2022, Bộ Tài chính đã có 03 công văn trao đổi với Bộ Y tế (Công văn số 7852/BTC-HCSN ngày 8/8/2022, Công văn số 8028/BTC-HCSN ngày 12/8/2022 và Công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 4/10/2022) về cơ sở pháp lý bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để mua vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các địa phương; theo đó, đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 đối với các nhiệm vụ, nội dung do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương. Trường hợp cần thiết bố trí ngân sách Trung ương thực hiện mua một số thuốc, vắc xin, cho trẻ em dưới 5 tuổi (ngoài các đối tượng thuộc 03 CTMTQG) đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí ngân sách Trung ương.
Đồng thời, Bộ Tài chính có Công văn số 7852/BTC-HCSN ngày 8/8/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện các một số nhiệm vụ thuộc CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.
Đến nay, Bộ Y tế không trình cấp có thẩm quyền quyết định về việc bố trí ngân sách Trung ương (cụ thể là bố trí dự toán cho Bộ Y tế) để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng và Bộ Y tế đã có Công văn số 1810/BYT-KH-TC ngày 03/4/2023 hướng dẫn các địa phương về triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc CTMT Y tế – Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên, trong đó có nội dung đề nghị các địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương để mua vắc xin năm 2023 theo quy định.
Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023.
Về vướng mắc của các địa phương
Theo Tờ trình số 669/TTr-BYT, đến nay, Bộ Y tế nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Theo đó, các địa phương chủ yếu vướng mắc trong việc mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng, thuốc lao, thuốc ARV và Vitamin A, như: Việc bố trí kinh phí của địa phương, việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện... và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá. Như vậy, các địa phương không có vướng mắc về cơ chế chính sách, chủ yếu vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện: Bố trí kinh phí, đấu thầu, đặt hàng.
Tại cuối Khoản 2, Mục II, Tờ trình số 669/TTr-BYT, Bộ Y tế báo cáo, việc địa phương thực hiện mua sắm là đảm bảo đúng các quy định hiện hành, tuy nhiên, các địa phương chưa thực hiện, nhưng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc mua sắm vắc xin và các loại thuốc nêu trên.
Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý của việc đề xuất các phương án tại Tờ trình số 669/TTr-BYT. Trường hợp chỉ vướng mắc do tổ chức thực hiện, đề nghị địa phương thực hiện theo đúng quy định.
Về đề nghị của Bộ Y tế
Đối với vắc xin sản xuất trong nước, sử dụng trong TCMR: Thực hiện mua vắc xin theo phương thức giao Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, địa phương ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước, Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng:
Về việc các địa phương ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước: Theo quy định tại Khoản 1 và khoản 2, Điều 7, Nghị định số 32/2019/NĐ- CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên:
Một là, các bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách Trung ương.
Hai là, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương.
Ba là, trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với sản phẩm, dịch vụ công có tính đặc thù từ nguồn ngân sách Trung ương (nếu có), thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, việc Bộ Y tế đề xuất phương án các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng không phù hợp với quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ- CP. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp về nội dung ủy quyền này, đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
Về đề xuất Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng: Theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (được sửa đổi bởi Nghị định số 149/2016/NĐ-CP) thì: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá mua tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Trung ương (trừ sản phẩm, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của các Bộ, ngành khác và của Ủy ban nhân dân tỉnh) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng.
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng các Bộ quy định giá cụ thể đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công, hàng hóa, dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ mà Bộ Tài chính quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu;…
Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 177/2013/NĐ- CP: Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính do cơ quan quản lý trực tiếp của cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án giá trình Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định. Sau đó, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị Bộ Tài chính quyết định;
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên: Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành giá tối đa trên cơ sở thẩm định và đề xuất của Bộ Y tế trong trường hợp Bộ Y tế đặt hàng mua sắm vắc xin từ nguồn ngân sách Trung ương.
Bộ Tài chính không có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt giá cụ thể để đặt hàng và không có thẩm quyền ban hành giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ thực hiện đặt hàng từ nguồn ngân sách địa phương.
Nội dung tại dự thảo Nghị quyết trái với các quy định hiện hành tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật về giá (Nghị định số 177/2013/NĐ- CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP).
Đối với vắc xin nhập khẩu sử dụng trong TCMR: Bộ Y tế đề nghị thực hiện mua sắm theo hình thức đàm phán giá theo quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế: Các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng trực tiếp và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương:
Đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do nội dung này liên quan đến pháp luật về đấu thầu, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về việc mua sắm thuốc ARV, thuốc lao và Vitamin A: Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 04/10/2022.
Về đề xuất giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc xin cho Chương trình TCMR từ năm 2024.
Đối với Nghị định số 32/2019/NĐ-CP: Nghị định số 32/2019/NĐ- CP quy định về định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; áp dụng đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ công thuộc các lĩnh vực. Tại Nghị định đã quy định đầy đủ về thẩm quyền, điều kiện, căn cứ thực hiện giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Vướng mắc hiện nay, không phải do quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ- CP như ý kiến Bộ Y tế nhận định tại Tờ trình số 669/TTr-CP "việc địa phương thực hiện mua sắm là đảm bảo đúng các quy định hiện hành, tuy nhiên, các địa phương chưa thực hiện nhưng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc mua sắm vắc xin và các loại thuốc nêu trên".
Tại khoản 4, Điều 17, Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định: Trường hợp đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích khác đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Theo đó, trường hợp đặt hàng sản xuất vắc xin tiêm chủng mở rộng ở trong nước có đặc thù, đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định số 104/2016/NĐ-CP để bổ sung quy định phù hợp. Bộ Y tế đề xuất sửa Nghị định số 32/2019/NĐ- CP để phù hợp với tính đặc thù, cá biệt trong việc mua vắc xin tiêm chủng mở rộng là không phù hợp.
Đối với Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016: Hiện nay, Luật Giá sửa đổi đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, theo đó, các văn bản hướng dẫn Luật Giá sửa đổi sẽ được cơ quan có thẩm quyền ban hành (trong đó có nội dung sửa đổi 02 Nghị định nêu trên). Tuy nhiên, riêng đối với nội dung về thẩm quyền ban hành giá tối đa, giá cụ thể để đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công đã được quy định cụ thể, rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm gắn với nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và không phát sinh vướng mắc mắc giữa cấp Trung ương và cấp địa phương.
Đối với dự thảo Nghị quyết: Trên cơ sở các nội dung nêu trên, đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Để kịp thời có vắc xin tiêm chủng mở rộng, đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết việc ngân sách Trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế, để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho Bộ Y tế để thực hiện; đồng thời, giao Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó, quy định ngân sách Trung ương (bố trí cho Bộ Y tế) bảo đảm kinh phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cho trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.