Bổ pháp trong y học cổ truyền
Sức khỏe 03/06/2023 09:26
1. Cổ nhân bàn về bổ pháp
Ở Trung Quốc, bàn đến bổ pháp, Nội kinh, y thư kinh điển đã chỉ ra một số nguyên tắc của bổ pháp: “Hình bất túc giả, ôn chi dĩ khí; tinh bất túc giả, bổ chi dĩ vị”, “tổn giả ích chi”, “bổ thượng trị thượng chế dĩ hoãn, bổ hạ trị hạ chế dĩ cấp, cấp tắc khí vị hậu, hoãn tắc khí vị bạc”. Trong Nội Kinh còn có một chương phụ phương bổ pháp ghi lại phương danh “Tứ ô tặc cốt xuyến như hoàn”. Trong phương, ngoài ô tặc cốt và xuyến như căn, còn có trứng chim sẻ và dùng dịch nước bào ngư để uống có công năng bổ can thận, ích tinh huyết, thông huyết mạch, hoà tràng vị, dùng để chữa chứng bệnh “Huyết khô” kinh bế. Như vậy có thể thấy, bổ pháp được ứng dụng trong lâm sàng tương đối sớm. Sau này, Nạn Kinh cũng đưa ra phương pháp “hư tắc bổ kì mẫu” (hư thì bổ mẹ), tức là bổ pháp gián tiếp trị liệu hư chứng. Trong Thần nông bản thảo kinh cũng có đề cập đến nhiều loại thuốc bổ như nhân sâm, sơn dược, thỏ ti tử, đỗ trọng...
Đến thời Hán, Trương Trọng Cảnh, y gia trứ danh “cần cầu khổ luyện, bác thái chúng phương”, trong sách Thương hàn tạp bệnh luận 16 cuốn, trên cơ sở kế thừa các bậc tiền nhân, ông đã góp phần rất lớn trong sự phát triển của bổ pháp. Ví như, ích khí bổ dương phương có Phụ tử thang, Lí trung hoàn...; dưỡng âm bổ dương phương có Kim quỹ thận khí hoàn, Thược dược cam thảo phụ tử thang...; dưỡng âm ích khí phương có Thược dược cam thảo thang, Chích cam thảo thang...; dưỡng âm thanh nhiệt phương có Hoàng liên a giao thang, Trúc diệp thạch cao thang...; cấp cứu hồi dương phương có Tứ nghịch thang, Bạch thông thang...; ôn dương bổ trung phương có Tiểu kiến trung thang, Tứ nghịch gia nhân sâm thang...; phù chính khu tà phương có Phụ tử tế tân thang, Bạch hổ gia nhân sâm thang... Những trước tác của Trương Trọng Cảnh có thể nói là những y thư “thừa tiền khải hậu”, có sự ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của y học sau này. Về phương diện bổ ích âm, dương, khí, huyết, tân, dịch... các tác phẩm này đã đề ra những nguyên tắc lập phương phối ngũ và truyền lại cho đời sau rất nhiều phương thuốc, mà đến hôm nay vẫn được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng với hiệu quả rất tốt.
Thời Đường, Vương Băng đã có sự phát triển lớn đối với những lí luận của Nội kinh, người đời sau gọi những lí luận của ông là “phát Nội kinh sở vị phát” (phát triển những chỗ chưa phát triển của Nội kinh). Về bổ pháp, ông đề ra nguyên tắc trị nguyên dương chi hư yếu: “ích hoả chi nguyên, dĩ tiêu âm ế”; trị chân âm chi kiệt: “Tráng thuỷ chi chủ, dĩ chế dương quang”... Những lí luận này có ảnh hưởng rất lớn đối với các y gia đời sau trong việc dùng phương pháp bổ thận dương, bổ thận âm.
Thời Tống, danh y Tiền Ất cũng có những đóng góp mới về bổ pháp. Theo ông, ở trẻ em âm khí chưa thịnh, dương khí còn yếu, không nên dùng thuốc hương thoán (có nhiều tinh dầu). ông cho rằng trẻ em phế hư suyễn tức dùng A giao tán; trị thận hư thất âm, thóp không kín, thần bất túc, sắc mặt trắng nhợt dùng Địa hoàng hoàn (tức là Lục vị địa hoàng hoàn). Đồng thời, ông cũng sáng chế ra không ít phương thuốc, như Lục vị địa hoàng hoàn, Ngũ vị dị công tán... đến nay vẫn được các thầy thuốc sử dụng. Có người đã nói ông là người khởi xướng cho trường phái “tư âm” trong bổ pháp của hậu thế.
Thời Tống Kim, trong sách Tạng phủ tiêu bản hàn nhiệt hư thực dụng dược thức, về bổ pháp, Trương Nguyên Tố đã đưa ra phương pháp bồi bổ và các vị thuốc bổ dùng cho từng tạng phủ rất rõ ràng, để lại cho hậu thế cách thức dùng thuốc hết sức linh hoạt. Đệ tử của Trương Nguyên Tố là Lí Đông Viên thì chủ trương chú trọng đến bồi bổ dương khí của tì vị. Ông cho rằng tì vị và sự tư sinh thăng giáng và vận động của nguyên khí, tinh khí của cơ thể có quan hệ rất mật thiết, ông lập ra phương pháp thăng dương bổ khí, sáng chế Bổ trung ích khí thang, Điều trung ích khí thang, Thăng dương ích vị thang... và không ít các phương thuốc kiện tì ích khí khác góp phần làm cho phương diện bổ tì vị có sự phát triển rất lớn.
Đến thời Nguyên, Chu Đan Khê sáng lập thuyết “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”, chú trọng phát triển phương pháp tư âm. Người đời sau tôn ông là thủ lĩnh của trường phái “tư âm”, có ảnh hưởng rất sâu sắc đến phái ôn bệnh sau này.
Thời Minh, Trương Cảnh Nhạc sáng lập “tân phương bát trận”, bao gồm “bổ lược” “bổ trận”. Ông rất chú trọng đến bổ thận, sáng chế ra những phương thuốc bổ thận như Đại bổ nguyên tiễn, Hữu quy hoàn, Tả quy hoàn, Hữu quy ẩm, Tả quy ẩm, Huyền vũ đậu...
Cuối thời Minh, Khởi Thạch đã lĩnh hội được rất nhiều kinh nghiêm trong việc vận dụng bổ pháp để điều trị chứng hư lao. Trong quyển 2 của trước tác Lí hư nguyên giám, ông đã đưa ra thuyết “lí hư tam bản” và “lí hư nhị thống”.
Thời Thanh, bổ pháp phát triển rất mạnh, trong đó Diệp Thiên Sĩ và Ngô Cúc Thông là hai đại biểu tiêu biểu của trường phái ôn bệnh. Về bổ pháp, đối với lí luận, trị pháp và phương dược trong điều trị hư chứng hình thành sau bệnh lí sốt cao có những sáng kiến mới. Họ cho rằng ôn nhiệt tà rất dễ làm tổn thương âm phận, thiêu đốt tân dịch, vì thế nên dùng nhiều các vị thuốc tăng dịch, sinh tân, nhu nhuận, dưỡng âm để chữa trị và đã sáng chế ra một số phương thuốc như Ích vị thang, Sa sâm mạch đông thang, Nhất giáp - Nhị giáp - Tam giáp phục mạch thang, Đại - Tiểu định phong châu thang... giúp bổ pháp có một bước tiến mới.
Ở Việt nam, các y gia đời xưa cũng đã bàn đến bổ pháp với những kiến giải rất sâu sắc. Ví như, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã viết: “Tà sở dĩ phạm vào được tất do chính hư. Phàm bệnh, hoặc ở biểu hoặc ở lí, chứng trạng tuy đã biểu hiện mà thấy mạch hư, sức yếu; hoặc sau khi ốm nặng mới khỏi, chưa bao lâu đã mắc lại; với những người già, đàn bà mới đẻ và trẻ em... tuyệt đối không thể dùng phương pháp “phát” và “công”, chỉ lấy điều bổ làm phương châm, chữa ngay từ gốc”. Và ông đã đưa ra khái niệm “tiếp bổ” với những lí luận mới: “Về phương pháp tiếp bổ để đối phó với các chứng âm dương đều sắp mất, các tình thế “thoát” đã tới nơi, kíp dùng những phương thuốc đại bổ, nhưng bổ rồi cần phải tiếp, đừng để gián đoạn, làm sao cho âm dương luôn giằng giữ lẫn nhau để đi đến hiện tượng “quân bình kín đáo” mới mong vãn hồi được. Hai chữ “bổ, tiếp” có ý nghĩa rất hay, nó là một then chốt để chữa các bệnh nguy, trong các phương thư chưa từng nói rõ”. Ông cũng đã sáng chế ra nhiều phương thuốc bổ độc đáo như Tân chế Bổ âm liễm dương an thần phương, Tân chế Hậu thiên lục vị thang, Tân chế Hậu thiên bát vị thang...