Biểu tình bạo động - Câu chuyện từ phía trời Âu
Bình luận 27/06/2018 08:38
Đầu năm 2014 cả thế giới nhìn đến điểm nóng Ukraine lo ngại trước sự căng thẳng bởi cuộc biểu tình của phe đối lập chống chính phủ do ông Victor Yanukovych đứng đầu.
Khi đó, lãnh đạo một vài nước phương Tây tới đây như con thoi để cổ súy, chỉ dẫn và hứa hẹn với lực lượng biểu tình về một tương lai sang lạn. Hành động đó được coi là “hỗ trợ nền dân chủ”! Nga đã vạch rõ thực chất hành động này là đang “đổ dầu vào lửa” và nhiều lần yêu cầu các nước không được can thiệp vào tình hình nội bộ Ukraine. Hoạt động “dân chủ” được cụ thể hóa bằng gạch đá, gậy gộc, bom xăng.
Các thủ lĩnh đối lập biết rằng, biểu tình hòa bình rất mất thời gian và chưa chắc đã đi đến đâu. Muốn kích động cao độ lòng hận thù thì phải có đổ máu! Và kịch bản này đã xảy ra. Được kích động, những phần tử phát xít mới trong lực lượng biểu tình tổ chức bắn tỉa vào chính những người biểu tình. Khi máu đã đổ thì sự phẫn nộ sẽ tăng lên cực điểm. Trước mối an nguy tính mạng, Tổng thống Yanukovych buộc phải ra đi và phe đối lập đã thành công nhờ bạo động. Đất nước Ukraine chìm trong bất ổn, nguy cơ tan rã khi chính quyền bán đảo Krưm quyết định trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine…
Biểu tình - Bạo động - Lật đổ thể chế hợp hiến được gọi hoa mĩ là “cách mạng màu” từng diễn ra ở một số quốc gia châu Âu có tình trạng nội bộ bất ổn. Nhận ra sự lợi hại của kịch bản này nên một số nhóm thù địch với nhà nước ta đang gắng sức tạo cơ hội với mục tiêu đen tối. Họ biết rằng lòng yêu nước là điểm mạnh của người Việt nhưng cũng sẽ là “huyệt đạo” của thể chế khi nó bị lợi dụng thành công. Tuy nhiên, Nhà nước CHXHCN Việt Nam là thành quả hai cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng với bao máu xương đổ xuống đâu dễ phá bỏ.
Biểu tình, hiểu nôm na là sự biểu lộ tình cảm của người dân (đồng tình hoặc phản đối) trước vấn đề cụ thể của đất nước. Mọi người đã biết đến hình ảnh biểu tình ngồi của người dân một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản luôn diễn ra trong hòa bình. Người biểu tình trật tự với tấm băng nhỏ vấn trên đầu hoặc tay cầm lá cờ nhỏ, động tác phản đối là nắm tay đưa lên xuống trên đầu một đoạn ngắn vừa đủ dứt khoát.
Việc một số kẻ quá khích trong đám đông tụ tập xông vào trụ sở cơ quan, đập phá tài sản công, dùng gạch đá tấn công lực lượng giữ gìn trật tự tại Bình Thuận và một vài địa phương vừa qua thực sự là hành vi bạo động. Đây không thể coi là một cuộc biểu tình xây dựng theo đúng ý nghĩa. Nếu lực lượng chức năng không kiềm chế và để xảy ra đổ máu với một vài người trong đám đông thì tình hình rất dễ rơi vào hỗn loạn, mất kiểm soát.
Khi tình cảm yêu nước chính đáng của người dân bị điều khiển chệch hướng, chuyển thành sự hận thù, tình hình mất kiểm soát thì đó chính là điều mong đợi nhất của lực lượng thù địch./.
Đinh Hoàng