Bí quyết lọt top 100 thủ khoa vào lớp 10 mà học sinh lớp 9 nên áp dụng ngay
Giáo dục 11/07/2018 14:44
Nguyễn Hồng Loan, học sinh lớp 9C trường Trung học Cơ sở Thụy Phương – quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đứng thứ 41 trong top 100 thủ khoa vào lớp 10 Hà Nội năm học 2018.
Ngoài kết quả trên, Loan cũng sở hữu trong tay nhiều thành tích ấn tượng. Em là một trong những đại diện quận Bắc Từ Liêm tham dự lễ tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2017 - 2018.
Năm học vừa qua, em đạt giải nhất môn Giáo dục Công dân trong cuộc thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội.
Hiện, Nguyễn Hồng Loan vừa làm thủ tục nhập học vào trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội). Nhiều người sẽ có thắc mắc, học lực tốt như vậy sao Loan không chọn trường cao hơn.
Loan chia sẻ, lý do đơn giản em chọn trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai vì đây là ngôi trường gần nhà em nhất. Điều đó sẽ thuận tiện việc đi học và phụ giúp việc nhà cho bố mẹ.
Em Nguyễn Hồng Loan. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Loan ít nhắc đến hoàn cảnh của gia đình. Cô bé chỉ nhấn mạnh đến động lực lớn nhất khiến em cố gắng học tốt. Đó chính là nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ.
Mỗi ngày nắng cũng như mưa, mùa đông hay mùa hè, mẹ em đều phải dậy từ 3h30 sáng để kịp lấy hàng về chợ bán.
Công việc bán hàng thực phẩm của mẹ là nguồn thu chính để trang trải cho sinh hoạt của gia đình 4 người. Chính điều đó khiến cho Loan cố gắng, nỗ lực thật nhiều để thi được vào trường cấp 3 công lập.
Thầy Hoàng Đại Việt, giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Loan là học sinh có ý chí và nghị lực. Hoàn cảnh gia đình em có khó khăn hơn so với các bạn khác. Bố thường xuyên đau ốm và mẹ thu nhập không ổn định.
Tôi biết được điều này khi làm giáo viên chủ nhiệm và có đến thăm gia đình. Vì thế, tôi đã cố gắng hết sức đỡ đầu em trong việc học. Từ việc giúp em học online, dạy ngoài giờ, tôi đều hỗ trợ hết sức để em yên tâm học tập. Chắc chắn đó cũng là một nguồn động lực để em cố gắng hơn trong quá trình học tập”.
Thầy Hoàng Đại Việt và các học sinh thân yêu của mình. (Ảnh: NVCC |
Một điều khá bất ngờ mà Loan chia sẻ trong bí quyết thành công của mình là mỗi ngày, em dành 2 tiếng đồng hồ để học online. Thời gian em lên mạng cũng chính là thời gian học bài trực tuyến. Cách học này Loan được thầy chủ nhiệm định hướng và hướng dẫn.
Phương tiện để Loan học online chính là chiếc điện thoại smart phone ra đời cách đây cả chục năm. Tài sản này của em là được một người bác cho.
Tôi đồ rằng, chúng ta khó kiếm được bạn trẻ nào còn dùng chiếc điện thoại này nữa. Nhưng với Loan đó là chìa khóa mở ra vô vàn kiến thức.
Loan chia sẻ: “Toàn bộ thời gian mỗi tối vào mạng của em là để học online. Những dạng toán khó như phương trình vô tỷ, bất đẳng thức…em dành nhiều thời gian học từ các buổi livestream của thầy cô trên mạng”.
Loan cho biết, ngay sau khi các thầy cô chia sẻ bài tập, Loan thường giải ngay và inbox hoặc comment vào đề bài. Rất nhanh sau đó, các thầy cô sẽ chấm giúp em.
Mỗi lần như vậy, Loan biết mình đã chắc kiến thức, dạng bài nào, đâu là phần còn lơ mơ phải cần nhờ thầy Việt hướng dẫn kỹ hơn.
“Những buổi dạy mở như vậy hầu hết đều là miễn phí. Các học sinh như em chỉ cần có đam mê, muốn học là được tiếp cận.
Ngoài ra, em cũng có đăng ký một tài khoản học online để tìm kiếm tài liệu, các dạng bài tập một cách hệ thống. Chi phí của cách học này rất rẻ phù hợp với hoàn cảnh của gia đình em”, Loan tâm sự.
Với môn Văn, Loan học bằng tư duy của người học Toán. Em học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, vạch ra các ý cần có trong bài.
Loan dùng bút nhớ, sổ tay viết các bài đọc hiểu. Với các bài thơ, em học thuộc sau đó viết ra, vẽ nhánh các khổ thơ, gạch chân từ khóa để phân tích rõ hơn.
Chia sẻ cụ thể hơn về định hướng cách học trong thời đại công nghệ cho các học sinh của mình, thầy Hoàng Đại Việt cho hay: “Ngay vào đầu năm học, tôi đã hướng cho học sinh tiếp cận với cách học này.
Các tiết học có sự kết hợp tương tác với tài liệu mở từ internet. Bên cạnh đó, tôi hướng các em học online trên mạng xã hội, trên các website học tập trực tuyến”.
Theo đó, thầy Việt lập ra nhóm kín trên facebook cho lớp. Buổi tối, thầy thường đăng bài để học sinh làm ở nhà. Sau khi làm xong, các em chụp ảnh gửi lên lên. Giáo viên sẽ tổng hợp và chấm chữa.
“Các em rất hứng thú với cách học này, đặc biệt là Loan. Em luôn là học sinh gửi bài nhanh và tích cực nhất.
Đôi khi tôi còn phải nhắn em từ từ hãy gửi bài để dành thêm thời gian cho các bạn khác có hứng thú làm bài.
Ở cô bé còn có sự chủ động, tích cực trong học tập. Khi gặp bài toán khó em nhắn tin hỏi thầy và đăng đề lên các diễn đàn toán học để nhờ các thầy cô khác trợ giúp và hướng dẫn”, thầy Việt nhận xét.
Với cách học đa dạng, tận dụng cơ hội từ chính thế giới mạng xã hội, internet lan tỏa, không chỉ Loan mà còn nhiều học sinh lớp 9C do thầy Việt chủ nhiệm cũng có kết quả rất tốt.
“Trong kì thi vào 10 vừa qua, lớp có 38 thành viên thì cả 38 bạn đều đỗ lớp 10. Nhiều em đỗ vào trường Trung học Phổ thông Chu Văn An.
Tôi hy vọng cách học này sẽ được nhiều thầy cô, học sinh áp dụng để cánh cửa tiếp cận tri thức đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn”, thầy Việt nhấn mạnh.
Báo Giáo dục Việt Nam