Bài toán nhân lực khoa học và công nghệ
Thị trường 19/04/2022 08:01
Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm. (Ảnh QUANG ANH) |
Thực tế hiện nay, các kỹ sư, lập trình viên được "săn đón" bởi các doanh nghiệp với mức thu nhập và chế độ đãi ngộ rất lớn, cho thấy sức hấp dẫn của ngành và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong nghiên cứu và trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài cũng được các tập đoàn kinh tế lớn trong nước mời về làm việc với mức thu nhập và chế độ đãi ngộ không thua kém các tổ chức tư nhân trên thế giới.
PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trước đây, chúng ta định hướng tập trung vào nhân công giá rẻ để tạo việc làm cho phần lớn lực lượng lao động ở nông thôn, trình độ thấp. Ðiều này dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ đột phá. Các hình thức giáo dục và đào tạo của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cũng chưa theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trở nên cấp bách. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông chưa thật sự đáp ứng đủ cho lưu trữ, sử dụng dữ liệu cho phát triển của nền kinh tế số.
Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 1.000 tổ chức khoa học và công nghệ ở trung ương (chiếm tỷ lệ 66,1%) và 512 tổ chức khoa học công nghệ ở địa phương (chiếm tỷ lệ 33,9%). Số lượng tổ chức khoa học và công nghệ tuy nhiều nhưng số lượng tập thể khoa học và công nghệ mạnh rất ít, chưa thật sự mang tính chuyên nghiệp, bài bản và còn hạn chế ở nhiều mặt… Người đứng đầu tổ chức chưa mạnh dạn sàng lọc nhân sự, cơ chế về quyền hạn gắn trách nhiệm cho người đứng đầu và cá nhân người trực tiếp làm trong các tổ chức khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập, chưa gắn kết quả và hiệu quả hoạt động với tổ chức.
Nhân sự trong các tổ chức khoa học và công nghệ đang thừa, nhưng một số cán bộ không được sử dụng đúng chuyên môn, cho nên không phát huy tối đa năng lực của họ. Nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu chuyên nghiệp cũng như không thể phát triển mạnh mẽ là do nguồn kinh phí dành cho phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn khiêm tốn. Cán bộ khoa học và công nghệ hiện nay tập trung chủ yếu ở các tổ chức khoa học ở khối trung ương. Ở các khu vực xa trung tâm, tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ làm việc còn rất thấp, thậm chí có nơi không có. Những vấn đề vướng mắc trong phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, chế độ đãi ngộ, hình thức quản lý, phân bổ nguồn nhân lực… vẫn tồn tại là bởi chúng ta chưa xây dựng được hệ thống chính sách hoàn chỉnh, thiếu những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong ngắn hạn, giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là tuyển dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Ðể làm được điều này, các đơn vị cần xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý. Xét trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nếu không có những chính sách thiết thực, nhất là về cơ hội, lộ trình thăng tiến rõ ràng để giữ chân người tài, thì họ sẽ dịch chuyển sang làm việc tại các tổ chức ngoài Nhà nước với mức thu nhập và môi trường làm việc tốt hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, về dài hạn, hệ thống giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực có khả năng thích ứng cao. Cơ cấu đào tạo ngành nghề cần chú trọng theo hướng phù hợp việc áp dụng mô hình kinh tế số. Các chương trình đào tạo về khoa học và công nghệ cần hướng đến xã hội hóa nhiều hơn thay vì để Nhà nước thực hiện.
Giáo dục khoa học và công nghệ gắn với các sản phẩm đột phá về công nghệ cần thực hiện từ các bậc học từ thấp đến cao, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt. Các cơ sở đào tạo trên cả nước cần vận dụng những thành tựu của công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy học, trang bị cho người học kiến thức để làm chủ khoa học và công nghệ từ cơ bản đến hiện đại. Các trường đại học cũng cần đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành với khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Khuyến khích người trẻ theo đuổi ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến khoa học và công nghệ thông qua hỗ trợ tài chính, kinh phí đào tạo, học bổng, tìm kiếm việc làm. Ðây là một giải pháp hiệu quả, mang tính lâu dài mà hầu hết các quốc gia trên thế giới ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, cần khắc phục hạn chế từ ngân sách nhà nước để tạo lập môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ.