Anh nói em nghe về sự ngọt ngào của nước
Xã hội 01/08/2023 09:48
Anh đã đến Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/2 - Phúc Tần, chưa đảo nào có sóng nước đẹp như Đá Thị. Những con sóng lấp lánh sắc vàng mềm mại, uyển chuyển vỗ vào vách miệt mài khởi sinh vẻ đẹp hoa văn thủy ba. Sóng nước dưới chân anh và em đang luân chuyển những vũ điệu, vũ điệu của nguồn năng lượng ngọt ngào, thiêng liêng và vĩnh hằng.
Em biết không, là một trong số đảo nằm cách xa dải đất hình chữ S, 10o24’40’’ vĩ độ Bắc - 114o34’48’’ kinh độ Đông, cách bán đảo Cam Ranh 322 hải lí, cách đảo Sơn Ca 7 hải lí về phía Tây Nam, quanh năm chìm dưới mặn mòi, sóng gió mưa nắng không ngừng vần vũ, Đá Thị vẫn vững chãi, kiêu hãnh, ngạo nghễ với lá cờ đỏ sao vàng giữa trùng khơi.Nhiều người đã đến đây, đã từng băn khoăn về tên gọi mĩ miều: Đá Thị, Núi Thị. Có lẽ, hiểu theo cách nào, chúng mình không thể bỏ qua thanh âm thao thiết ngày đêm của sóng nước. Chúng mình cũng không thể quên con ốc nhỏ trên đảo Sinh Tồn Đông da diết khôn nguôi về linh hồn của biển.
Đã thành thông lệ, bất cứ tàu hải quân nào đi qua vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đều tổ chức lễ viếng và thả hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc năm 1988. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Mỗi chiều, anh thường đạp xe lang thang, tự thưởng cho mình làn gió mát rượi, nghe sóng biển du dương, ngắm những chiếc thuyền nằm phơi nắng giữa cát trắng, mê mẩn với bức tranh tuyệt đẹp của đường chân trời, bỏ lại sau lưng những náo nhiệt, ồn ào, gấp gáp của thành phố. Quê anh, biển là nguồn sống của nhiều ngư dân, để nhận về thứ quà của biển, cái giá phải trả đôi khi quá lớn, bất trắc và hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Nhưng người dân miền biển luôn mang trong mình ý chí của ông lão Santiago, ngày ngày rẽ sóng ra khơi. Nhiều khi anh tự hỏi mình, tiếng sóng hay là tiếng đồng vọng của giống nòi? Những dáng hình ô van mọc lên từ rạn san hô nơi Đá Thị phải chăng chính là những ngọn lửa hoa văn vĩnh cửu trên mặt trống đồng người Lạc Việt? Thả hồn mình với Đá Thị, anh hiểu vì sao 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Song anh không tin sự chia rẽ trong câu chuyện sáng tạo loài người thuở ấy là định mệnh? Những con sóng luôn mang trong nó sứ mệnh nối đất liền với biển đảo, nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đảo chìm không có cây tỏa bóng, chỉ có người lính là cây tỏa bóng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Giông bão, gió nắng, kẻ thù, mỗi biển xanh là người bạn đồng hành. Anh đứng bên bờ tường kiên cố nhìn sóng nước rất lâu để tận cùng với vẻ đẹp hoa văn mang hình ngọn lửa Đá Thị. Ngọn lửa sóng nước mãi mãi nồng cháy như bản tình ca dào dạt, trào sôi trong trái tim những người lính: “Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây/ Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này” (Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa). Ngọn lửa sóng nước cho Tổ quốc sinh ra thêm lần nữa. Ngọn lửa sóng nước sẽ xóa bỏ khoảng cách mà bấy lâu nay con người hoài nghi và mặc cảm neo vào số phận.
Còn nhớ hôm chúng mình rời Đá Thị đi qua vùng biển Len Đao, em không giấu nổi xúc động, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài. Ôi, Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng. Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống, thấm vào cát, thấm vào san hô, thấm vào muối. Không nơi nào biển mặn như biển ở đảo chìm. Vị mặn của tình yêu. Vị mặn của nỗi đau, vị mặn của nước mắt, vị mặn của máu, linh thiêng và cao cả. Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, đến bao giờ chúng mình mới đi hết bí ẩn cõi nhân sinh? Anh không giấu em điều gì, nhưng anh hi vọng và trông ngóng những điều tốt đẹp ở phía trước. Tổ quốc ta đó luôn bền vững âu vàng.
Đêm đêm, đứng trên boong tàu KN-390, anh nghe tiếng sóng rì rào như nghe tiếng người nói chuyện, cười đùa. Biển là người mẹ vĩ đại dang rộng vòng tay vỗ về, chở che, biển đang sống cho chúng ta, và chúng ta đang sống cho biển. 64 trái tim nằm lại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma muôn đời cùng nhịp đập, cùng chí hướng. Những ngọn nến lung linh, những bông cúc vàng và hàng trăm con hạc giấy trôi theo con sóng mang yêu thương đến các anh. Nơi nào các anh nằm xuống, nơi đó là quê hương, là nhà của chúng mình, em à!
Nhìn cuốn “Sức mạnh tình yêu” của nữ nhà văn trẻ Ireland CeceliaAhern trong tủ sách Nhà giàn DK1/2, anh càng hiểu hơn cái đẹp tình người, tình đời thuần khiết ẩn giấu trong trái tim các chiến sĩ. Kháng sinh cho tinh thần là lẽ sống. Sống là cho, là hi sinh để nhận về mình viên mãn hạnh phúc. Anh nhớ lắm những ánh mắt rạng ngời, nhớ lắm đôi tay cài nút áo phao, nhớ lắm tiếng chào thân thương bịn rịn phút chia tay, nhớ lắm ánh nhìn ngơ ngác của con trẻ… Chuyến xuồng rời đảo mà lòng anh ướt mềm. Món quà tinh thần vô giá này chỉ giữa khoáng đạt trùng khơi anh và em mới cảm nhận được.
Hòa vào tiếng hát của các chiến sĩ Hải quân: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ. Ta vẫn vượt qua” (Khúc quân ca Trường Sa - Đoàn Bổng), em có thấy nhựa sống đang trào dâng mãnh liệt trong dáng hình hoa văn thủy ba? Nếu mai này được trở lại Trường Sa, chúng mình sẽ hóa thân thành những con sóng em nhé! Nghe biển hát, biển cười, biển nồng cháy, ấy là lúc chúng ta đang sống trọn vẹn với bao buồn vui kiếp người.