“Ăn vặt”, “tham nhũng vặt”, xảy ra chủ yếu ở cơ sở, biểu hiện phổ biến nhất là hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho công dân phải đến “nơi cửa quan” được gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật…
|
Ảnh minh họa. Dân Trí |
“Tham nhũng vặt” là nguyên nhân, mầm mống dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền… Nhiều lần “ăn vặt” sẽ quen mồm, nhiều kẻ “tham nhũng vặt” hợp lại thành nhóm tham nhũng lớn. Những người hôm nay dựa trên những kẽ hở của pháp luật, quy định của địa phương, ngành để ăn chặn của người dân chẳng mấy chốc sẽ trở “thành cáo” của xã hội.
Lâu nay các vụ “ăn vặt” diễn ra tràn lan nhưng chưa bị ngăn chặn nên thứ “vi rút” độc hại này mặc sức hoành hành. Nếu không chữa trị, ắt sẽ “di căn” bởi chúng trở thành kẻ tham nhũng về chủ trương, chính sách, dẫn tới sự thay đổi mục tiêu, bản chất của chế độ, mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, đe dọa sự vững bền của Đất nước.
“Kí sinh” ngay trong xã hội, “ăn vặt” bắt nguồn sâu xa từ tâm lí “cốt được việc” của người dân, ý thức đạo đức công vụ của người thực thi nhiệm vụ và cơ chế quản lí của ta thiếu chặt chẽ. Để đẩy lùi nạn “ăn vặt, “tham nhũng vặt”, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan công quyền; thay thế, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức hư hỏng, yếu kém về năng lực và đạo đức, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp nhất là cấp cơ sở. Truy cứu trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền “ăn vặt”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để ngăn chặn ngay từ đầu “tham nhũng vặt”. Nâng cao ý thức pháp luật, phát huy vai trò của Nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng nói chung, tệ “tham nhũng vặt” nói riêng.
Tham nhũng dù dưới bất kì mức độ, cấp độ nào đều rất nguy hiểm, làm giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Cần tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ nhằm đẩy lùi tệ “ăn vặt”, tiến tới chấm dứt các vụ việc tham nhũng, làm lành mạnh xã hội, trả lại niềm tin cho Nhân dân./.
Tường Minh