Âm thầm làm việc tốt
Tuổi cao gương sáng 20/07/2023 10:42
Năm 2005, sau khi li hôn, ông Trần Ngọc Hải bỏ việc vác lúa mướn và xin vào làm hộ lí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông, để kiếm thu nhập nuôi 2 con. Ban đầu, ông Hải được giao nhiệm vụ quét trần nhà, lau rửa sàn nhà, cửa kiếng… tại các khoa, phòng của bệnh viện”. Làm được hơn 2 năm, công trình xây dựng khu “đại thể” của bệnh viện hoàn thành, ông Hải được phân công kiêm thêm nhiệm vụ quản lí nhà “vĩnh biệt” tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông. Đó là quyết định khiến ông có chút “lăn tăn”, thế nhưng khi chứng kiến những người qua đời trong quạnh quẽ, có khi không có người thân đến nhận khiến ông chạnh lòng. Vậy là, dẹp bỏ bao lo ngại, sợ sệt ban đầu, ông Hải đảm trách luôn việc tắm rửa, thay y phục, chăm giữ… xác người.
Ông Hải đang làm nhiệm vụ thu gom rác thải y tế tại Trạm Y tế xã. |
Ông Hải tâm sự, một phần vì cuộc sống mưu sinh, phần khác cũng vì lòng trắc ẩn, tình thương giữa con người với nhau đã giúp công việc tiếp xúc, chăm giữ tử thi vốn ai cũng “lạnh xương sống” không dám nhận, trở nên nhẹ nhàng hơn với ông. Trung bình mỗi năm, ông Hải tắm rửa, thay y phục, trông coi từ 5 đến 7 thi thể, có năm lên đến trên 10 thi thể. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có tới 6 thi thể người tử nạn được đưa vào nhà xác. Trong đó, có 2 vụ tai nạn giao thông, 1 vụ trẻ em chết đuối… Bên cạnh đó, công việc cũng đã giúp ông Hải tiếp xúc với thân nhân người mất mỗi khi họ đến nhận thi thể, bao nhiêu câu chuyện buồn vui cũng từ đó được chia sẻ với nhau. Có những gia đình sau khi nhận thi thể người thân từ nhà vĩnh biệt, họ bày tỏ sự biết ơn ông Hải và có nhã ý “hậu tạ” vài trăm ngàn gọi là “cà-phê, trà lá”, nhưng ông luôn từ chối. Bởi, ông Hải nghĩ: “Thân nhân người mất đã đau buồn rồi, gia cảnh lại gặp khó khăn nữa thì làm sao mình nhận tiền thù lao cho đành…”
Cũng có đôi lúc, gặp trường hợp gia cảnh người quá cố khó khăn, nghèo khổ, ông Hải không chút suy tính, đắn đo mà tự nguyện xuất tiền cá nhân để mua mền, gối đắp cho tử thi. Trong số tử thi mà ông Hải trông coi, nhiều nhất là những người bị tai nạn giao thông. Đôi khi, vào đến nhà vĩnh biệt, có những tử thi không còn toàn vẹn. Ông Hải tâm sự, nhìn thấy những con người xấu số nằm đó, nếu được tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo tươm tất, thì mình tự nhủ có thể họ sẽ được thanh thản ra đi. Bên cạnh đó, mỗi tháng, ông Hải đều quét dọn, vệ sinh nhà vĩnh biệt từ 2 - 3 lần, rồi mua hoa, quả, bánh trái về thắp nhang đèn, lễ lạy… như tục xưa của ông bà. Suốt 18 năm qua, ông Hải đã thầm lặng với công việc và thể hiện tấm lòng “nghĩa tử là nghĩa tận” của mình như vậy.
Ngoài ra, mỗi tuần 2 ngày vào thứ 3 và thứ 5, ông Hải điều khiển xe gắn máy có gắn hai thùng chứa rác thải phía sau chạy đến 12 Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Nông để thu gom chất thải y tế rồi vận chuyển tập kết về lò đốt rác của Trung tâm y tế huyện để xử lí. Các loại chất thải Y tế lây nhiễm và tái chế đều được phân loại cẩn thận trước khi thu gom đưa vào thùng chứa và vận chuyển về nơi xử lí…
Nói về ông Hải, Thầy thuốc Nhân dân Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông chia sẻ: “Chúng tôi thấy ông Hải có một nghĩa cử rất đẹp đẽ, một tình người cao quý”.
Ông Giám đốc Trung tâm Y tế huyện còn cho biết, dù đồng lương ít ỏi và tiền kiếm thêm từ công việc làm vệ sinh ngoài giờ ở các khoa, phòng hoặc ngày nghỉ không bao nhiêu, nhưng gặp những trường hợp người bệnh nghèo, cơ nhỡ vào nằm viện không người chăm sóc, ông Hải luôn sẵn sàng giúp đỡ. Có trường hợp người bệnh không qua khỏi, nhà lại quá nghèo, ông Hải vừa xuất tiền cá nhân, liên hệ với các nhà hảo tâm, vừa đứng ra tẩn liệm, hỗ trợ chôn cất đàng hoàng!