55 năm –nhớ về trường THCS Dục Tú
Giáo dục 15/11/2020 17:41
Vừa là người thầy vừa là chiến sĩ
Năm nay thầy giáo Nguyễn Bá Khuê đã 76 tuổi, ông vẫn sung sức và minh mẫn để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Đông Anh 3 khóa liền (15 năm). Thầy giáo Nguyễn Bá Khuê kể: Từ năm học khóa 1962-1963 tôi cùng với các thầy cô giáo trẻ Nguyễn Hạnh Phúc, Nguyễn Tích Linh, Trịnh Thế Tuấn và cô giáo Đỗ Trinh Thụy, tình nguyện sang Đông Anh công tác và được phân công về trường THCS Dục Tú. Khi đến trường chúng tôi nói với nhau là mình về xứ “Xi Bê Ri” xứ heo hút của nước Nga. Ví như vậy, bởi ngày ấy vùng quê này cũng là nơi hẻo lánh, đời sống khó khăn.
Đến năm học 1965, trường THCS Dục Tú chính thức thành lập trên cơ sở sát nhập 2 trường cấp 1 và cấp 2. Nhớ những năm đầu chúng tôi dạy ở trường Dục Tú, trường chỉ có 1 lớp học cấp 4 lợp ngói. Vì thiếu phòng học, tôi và một số giáo viên phải dạy các lớp học nhờ ở nhà chùa và đình làng. Không chỉ thiếu phòng lớp học bàn ghế cùng không đủ, học sinh phải ngồi trên đất, mực viết nhiều học sinh cũng không có phải chung nhau. Đó là thời kỳ khó khăn nhất nhà trường đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Trường.
Ngày ấy cuộc sống của giáo viên dạy ở trường ngoại thành chúng tôi được nhân dân Dục Tú thương yêu, giúp đỡ, lúc thì cho mớ rau, khi thì cho rổ khoai, rổ lạc, có lúc lại giúp đỡ nấu ăn cho thầy cô. Chúng tôi không chỉ dạy học sinh phổ thông mà mỗi tuần còn đi dạy bổ túc văn hóa cho nhân dân các thôn, đó là nhiệm vụ chính trị, không có thù lao gì như giáo viên dạy thêm giờ ngày nay. Cũng chính vì hết lòng dạy học sinh, lại thân thiết với địa phương qua phong trào bổ túc văn hóa, nên giáo viên chúng tôi được nhân dân yêu mến như người thân trong gia đình. Giáo viên chúng tôi còn tham gia trồng cây trong trường, đến nay vẫn còn một số cây xà cừ được trồng từ năm 1964 vươn cao tỏa bóng .
Toàn cảnh trường THCS Dục Tú hôm nay |
Cùng năm thành lập trường 1965, cũng là giặc Mỹ gây huấn chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam, lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ. Năm ấy trường Dục Tú có tôi, thầy Tuấn và thầy Ban trúng tuyển quân sự. Tôi trở thành chiến sĩ đơn vị 17 cối 82 thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 68, Sư đoàn 308. Tôi là pháo thủ số 1 vác nòng cối nặng 17kg, cùng ba lô quân trang đi bộ theo đường mòn Trường Sơn, hành quân 3 tháng vào tới chiến trường Tây Nguyên. Tôi đã tham gia trận đánh quân đổ bộ bãi 1 Tây Nguyên, đánh đồn Đức Vinh, Sông Sa Thầy… Những ngày gian khổ ở chiến trường, nhớ lại thời dạy học ở Dục Tú, cứ nghĩ là vùng “Xê Be Ri” gian khổ, nhưng ở chiến trường còn gian khổ gấp nhiều lần, không chỉ đối mặt với cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, chúng tôi còn chịu cảnh thiếu gạo, đói ăn, rốt rét, thiếu thuốc uống…
Hành quân vào sâu, tôi gặp đồng nghiệp thầy Tuấn là thương binh trên đường chuyển quân ra Bắc. Sau 4 năm ở chiến trường, năm 1969 tôi bị sốt rét ác tính, được chuyển quân ra Bắc, an dưỡng và chữa bệnh.
Năm 1970 tôi được chuyển ngành lại về dạy học ở trường Dục Tú. Như vậy cuộc đời của tôi thật vinh dự được cầm phấn đứng trên bục giảng vì học sinh thân yêu, cũng là người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường bảo vệ độc lập, tự do của đất nước.
Chỉ sau 5 năm ngày thành lập trường, lúc này trường Dục tú của chúng tôi đã có nhà cao tầng, nhiều lớp học tập trung, có cấp 1, cấp 2, có khu tập thể của giáo viên, nhưng trường học của chúng tôi vẫn chưa được bình yên, bởi sau đó là chiến tranh giặc Mỹ leo thang bắn phá Hà Nội năm1972. Sau năm 1973 thầy trò chúng tôi mới được ổn định cùng học tập và xây dựng nhà trường.
Từ chiến trường về năm 1972, tôi được cử đi học hàm thụ, năm 1975 đất nước thống nhất, cũng là năm tôi được giao trách nhiệm là Hiệu phó của trường Dục Tú. Đến năm 1981 tôi được cử về làm Hiệu phó trường cấp 1+2 xã Việt Hùng, đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Qua chuyện trò với thầy giáo Nguyễn Bá Khuê và cũng là người chiến sĩ, tôi được biết ông đã được nhận kỉ niệm chương của ngành giáo dục, kỉ niệm chương Khuyến học, kỉ niệm chương Hội cựu giáo chức, kỉ niệm chương của Hội cựu chiến binh, và các Huân, Huy chương trong quân đội.
Trường THCS Dục Tú trưởng thành sau 55 năm thành lập
Nói về trường THCS Dục Tú hôm nay, thầy Khuê cho biết, ngày 14/11 vừa qua trường THCS Dục Tú tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (1965 – 2020). Là giáo viên gắn bó với nhà trường từ ngày đầu thành lập, thầy Khuê rất tự hào sau 55 thành lập, xây dựng và trưởng thành, giờ đây trường Dục Tú đã trở thành là 1 trong 3 trường tốt nhất huyện Đông Anh.
Đón nhận bằng trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 |
Hiện nay, trường THCS Dục Tú có 29 lớp với 1191 học sinh. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảng dạy và học tập của thầy và trò nhà trường. Đội ngũ thầy cô giáo 100% đạt chuẩn và 87,8% trên chuẩn, 100% giáo viên ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhiều giáo viên đã đạt giải cao tại cuộc thi Giáo viên dạy giỏi các cấp. Đặc biệt, đã có 32 giáo viên đạt giải thi giáo viên dạy giỏi cấp Huyện trong 10 năm qua và 2 giáo viên đạt giải nhất thi GVDG cấp thành phố. Trong 10 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng tăng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%, trong đó loại giỏi luôn đạt từ 35 đến 40%; tỷ lệ lên lớp thẳng đạt 94,8%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường trong 10 năm qua không ngừng được nâng cao, với 17 em đạt giải cấp Quốc gia; 34 em đạt giải cấp thành phố; 177 em đạt giải cấp Huyện trong các cuộc thi học sinh giỏi. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền trường THCS Dục Tú được Chủ tịch UBND TP Hà Nội công nhận là Tập thể lao động xuất sắc; được nhận Bằng khen của UBND TP. Ngày 5/2/2020, trường THCS Dục Tú được UBND TP công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.