20 năm dạy miễn phí cho học sinh nghèo
Giáo dục 17/05/2018 09:23
Kết thúc buổi học, bà Thiền tâm sự về duyên nghiệp gõ đầu trẻ của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, phải chật vật lắm bà mới được đến trường. Năm 14 tuổi, bà lên thành phố theo đuổi việc học. Ngoài giờ học, bà phụ mẹ bán quán ăn, nhận dạy kèm cho học sinh để kiếm tiền. Những buổi dạy kèm ấy nhen nhóm trong lòng bà tình yêu mến trẻ em và mong muốn được theo nghiệp gõ đầu trẻ.
Tốt nghiệp Đại học khoa Toán, bà giảng dạy tại Trường Nghiệp vụ Ngân hàng (tiền thân Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) rồi kết duyên với ông Nguyễn Phan, công tác tại Trường Đại học TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, các trường cắt giảm biên chế, lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, bà thôi việc, về mở quán cơm ngay trước nhà. Chồng bà cũng xin nghỉ việc về giúp vợ bán buôn. Nhiều học trò trong xóm biết ông bà từng là giảng viên nên đến hỏi bài, làm trỗi dậy khao khát được cầm phấn trong lòng ông bà. Khi số lượng học sinh tìm đến ngày càng đông, bà quyết định mở lớp dạy kèm miễn phí tại nhà vào buổi tối. Năm 1996, khi các con trưởng thành, cuộc sống khá giả hơn, ông bà đóng cửa quán cơm, chỉ chuyên tâm dạy học cho trẻ em nghèo. Bà nhớ lại: “Ban đầu, tôi chỉ dạy kèm cho những đứa trẻ không hiểu bài ở trên lớp. Sau thấy nhiều đứa không được đến trường cứ lấp ló trước cửa, mong muốn được đi học nên tôi dạy chữ luôn cho các cháu. Lớp học ban đầu chỉ lèo tèo vài đứa, thế mà kéo dài cho đến tận bây giờ. Ngót nghét cũng được 20 năm rồi”.
Suốt 20 năm qua, đôi vợ chồng già lấy việc dạy học cho trẻ em nghèo làm niềm vui của mình
Gia tài theo bà đến nay chỉ là một tấm bảng con, những chồng sách cũ từ lớp 1 đến lớp 12 đã ngả vàng, một số bộ bàn ghế nhỏ. Bà hồ hởi kể, sách vở, bàn ghế ban đầu là của gia đình, sau được những người không dùng đến mang cho. Một số người còn mua bàn ghế mới đến tặng. Lớp học được mở đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Bà dạy chữ cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Các em từ cấp 2 trở đi được ông dạy kèm môn Toán. Lũ trẻ rảnh giờ nào đến học giờ đó. Có đứa hôm nay đi học, ngày mai đi mò cua bắt ốc, nên số lượng học sinh bấp bênh. Thời điểm ít nhất chỉ có hai học sinh, có lúc đến 40 trẻ.
Đa số trẻ đến lớp hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng để mưu sinh, phụ ba mẹ kiếm tiền chạy gạo. Có những em lêu lổng, quậy phá, không thích học hành, bà phải đến từng nhà vận động. Bà chia sẻ: “Hồi đầu, tụi nó quậy phá dữ lắm. Lên lớp không chịu học, còn xé hết sách vở. Tôi phải kiên trì khuyên nhủ, tận tâm dạy dỗ, xem chúng như con cháu mình, dần dần tụi nó cũng thay đổi, chuyên tâm học hành. Đó cũng là động lực để tôi dạy học từng ngày”.
Sách giáo khoa luôn cải cách, đổi mới, ông bà phải cập nhật kiến thức mỗi ngày. Tích cóp được ít tiền, họ mua sách, tìm tòi cách giải những bài toán khó. Có những em không có tiền mua sách vở, bút mực, ông bà tiết kiệm chi tiêu để mua cho học trò. Điều khiến bà trăn trở nhất là những đứa trẻ xin thôi học vì phải đi làm kiếm tiền. Hơn 20 năm đứng lớp, họ không nhớ đã bồi dưỡng bao thế hệ học trò. Vào mỗi dịp lễ tết, những học trò trở về, quây quần bên ông bà nhắc đến chuyện nghèo khó thuở xưa. Có những người thành đạt, giàu có lại cùng ông bà giúp đỡ những trẻ em nghèo học chữ, viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Bà cho biết, được đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho học sinh là một niềm vui. Mỗi sáng, bà đứng trước cửa chờ học trò đến. Những ngày mưa lớn, lớp học trống trải, bà lại thấy thiếu thiếu, cứ đi ra đi vô chẳng biết phải làm gì. Bà tâm sự: “Giờ lớn tuổi rồi, giúp được tụi nhỏ ngày nào hay ngày đó. Chỉ mong tụi nó học được cái chữ, sau này lớn lên giúp ích cho đời”.
Bài và ảnh Đức Thọ