Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng
Sự kiện 29/05/2023 13:38
Ngày 29/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho thấy, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình được khắc phục.
Phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 29/5 |
Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo. Đoàn giám sát trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, làm việc với 14 Bộ và một số cơ quan liên quan; tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung giám sát.
Bên cạnh đánh giá cao mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng những năm qua đã được quan tâm, củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trở thành mắt xích, là lực lượng quan trọng thực hiện truy vết, xác minh, điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe các ca nhiễm, cũng như diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng dân cư, nhằm phát hiện sớm, phân loại các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 và quản lý, điều trị từ sớm, kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch.
Tuy nhiên Đoàn giám sát đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó: nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước; Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn; Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) |
Phát biểu về lĩnh vực y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân. Máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn.
Trạm y tế xã là có 2 nhiệm vụ dự phòng như là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền và điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước.
“Để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), hiện mô hình hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện đang có sự không đồng đều, chưa thống nhất giữa các tỉnh thành, các địa phương, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong vận hành cũng như phát triển đồng bộ mô hình này.
Với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở, hiện nay trang thiết bị của các cơ sở này đã cũ, nhân lực hạn chế, chế độ, chính sách chưa được đảm bảo, người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong việc thu hút bệnh nhân đến khám bệnh. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo sát sao và có giải pháp tháo gỡ để xử lý hiệu quả các tồn tại, hạn chế này.
Nêu lên thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó chính là: chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; Cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.
“Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh boăn khoăn.
“Không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân”, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) kiến nghị tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng. Trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Qua phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có giải pháp đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì thế, người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.