Vừa làm, vừa giàu lòng nhân ái
Tuổi cao gương sáng 27/10/2023 10:42
Vườn cây kinh tế gồm điều, cao su và một số cây ăn trái cùng việc chăn nuôi đàn heo lai rừng, cá nuôi bể, gà, vịt xiêm, trong nhà đều do ông Thông nuôi, trồng và chăm sóc. Vợ ông tuổi cao sức yếu nên phụ việc cơm nước và trông coi nhà.
Những năm trước đây, gia đình ông Thông rất khó khăn về kinh tế. Được bà con trong thôn và các thành viên trong Hội NCT của xã động viên làm vườn, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm. Vì diện tích vườn gia đình khá rộng (1,7ha) lại ở không gần nhà dân xung quanh. Ngoài chăm sóc vườn, ông Thông còn ươm cây giống, gồm vú sữa, bưởi da xanh, sầu riêng, mít thái.
Ông Phạm Văn Thông hiến đất làm con đường bê tông dân sinh. |
Lúc đầu vốn chăn nuôi còn ít, ông Thông thả 1 cặp heo lai rừng gây giống, ít con vịt xiêm và gà thả vườn. Tận dụng thức ăn thừa thải từ các quán ăn, xơ bã từ cơ sở chế biến đậu phụ, rau củ quả bóc bỏ ở chợ, ông Thông xin chở về nuôi heo và cá bể. Việc gom thức ăn, rau quả thừa thải ở chợ, ở các quán ăn của ông Thông còn góp phần tham gia bảo vệ môi trường trong sạch trên địa bàn khu dân cư. “Có nguồn thức ăn cho heo lai rừng, cho gà, vịt xiêm, đến nay đã phát triển đàn lên đến hàng chục con, mỗi năm vợ chồng tôi phải bán bớt đi một số. Thu nhập từ vườn và chăn nuôi của gia đình đạt hơn 20 triệu đồng/tháng”, ông Thông cho biết.
Ông Thông là tấm gương tiêu biểu về NCT làm kinh tế giỏi, giàu lòng nhân ái của Hội NCT xã Phú Riềng. Ông Đỗ Văn Các, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước, vừa là thành viên Ban chấp hành Hội NCT xã Phú Riềng cho biết, nghĩa cử hiến đất làm đường của ông Thông là hành động nhân văn nghĩa tình.
Gia đình ông Thông ở ngoài đã có con đường bê tông rộng 4m đi lại, như ra chợ, ra trung tâm hành chính xã, ông Thông nghĩ thương bà con ở phía trong không có đường đi lại. Bàn qua với vợ con, ông quyết định hiến phần đất trong khu vườn kinh tế của gia đình làm đường cho dân đi. Con đường bê tông làm cho tổ dân cư ở hướng trong đi lại với chiều dài hơn 100m, bề rộng hơn 3m mà ông Thông hiến đất vườn. Không những hiến đất làm đường, ông Thông còn ủng hộ 13 triệu đồng và một con heo lai rừng nặng gần 30kg cho tổ dân cư liên hoan khi hoàn thành con đường dân sinh này.
Mùa khô hạn, có gia đình thiếu nước tưới cây hay xây nhà ở đều nhờ vào giếng khoan của ông Thông. Gần nhà ông có một hộ đang xây nhà ở thì giếng kiệt nước, ông Thông cho họ dùng nước nhà mình để xây nhà thời gian 2 tháng. Nhà ở thôn Phú Hưng, nhưng ông Thông vẫn đóng góp số tiền 1 triệu đồng vào xây dựng hội trường thôn Phú Tân, xã Phú Riềng. “Cùng thế hệ, đức tính chịu khó lao động và lòng nhân ái của ông Thông, Hội NCT chúng tôi luôn lấy đó làm gương”, ông Các nói.
Ông Phạm Văn Thông nhập ngũ năm 1969, thuộc Bộ đội Thông tin liên lạc. Sau 3 năm ông chuyển ngành qua Công ty Chiếu bóng lưu động huyện Tiên Lữ, tỉnh Hải Hưng (cũ). Sau đó ông cùng gia đình vào tỉnh Bình Phước xây dựng kinh tế mới. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phạm Văn Thông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba.