Vụ hai trẻ tử vong vì bệnh Whitmore: Chưa có bằng chứng bệnh lây lan
Y tế 18/11/2019 17:18
Một bệnh nhân Whitmore được điều trị khỏi bệnh tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BV |
Sự việc hai cháu nhỏ trong cùng một gia đình ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tử vong cách nhau nửa tháng do bệnh Whitmore (một cháu tử vong ngày 30/10 và một cháu tử vong ngày 16/11); trước đó 8 tháng một cháu nhỏ trong gia đình này cũng tử vong với các biểu hiện giống bệnh Whitmore đang khiến người dân lo lắng căn bệnh nguy hiểm này lây lan, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội cho biết: “Hai trường hợp cháu nhỏ (một cháu sinh năm 2014, một cháu sinh 2018) bị bệnh Whitmore chỉ cách nhau khoảng thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng lưu tâm. Chúng tôi tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân chủ động tích cực theo dõi trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng để khẳng định hai trường hợp này lây bệnh cho nhau”.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, qua điều tra dịch tễ cho thấy chưa có gì đặc biệt. Những người trong gia đình các cháu này đều khỏe mạnh, cả ba cháu bé tử vong đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Trường học và các gia đình sống gần đó cũng không có ai mắc bệnh tương tự. Bệnh Whitmore có thể lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao. Người dân không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người có sẵn bệnh lý có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
“Sau khi phát hiện 2 trường hợp cùng trong một gia đình tử vong vì bệnh Whitmore, bệnh viện Nhi Trung ương đã ngay lập tức báo cho cơ quan dịch tễ của Hà Nội để tìm hiểu, điều tra. Thực tế, bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước”, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Theo đó, bệnh Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân có thể phòng bệnh bằng cách chú ý vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Đặc biệt, khi có biểu hiện bệnh, cần tới cơ sở y tế để khám, kịp thời phát hiện và điều trị.
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang vào cuộc điều tra dịch tễ và cảnh báo cho người dân để có biện pháp phòng bệnh.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng; rất dễ gây tử vong vì dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.