Vòng lặp đáng sợ của Covid-19 với châu Á - Thái Bình Dương
Câu chuyện quốc tế 30/07/2020 11:17
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hôm 27/7 rằng, đại dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp công cộng “nghiêm trọng nhất” mà tổ chức này từng phải đối mặt.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có những quốc gia đầu tiên bị virus SARS-CoV-2 tấn công, đồng thời là các quốc gia đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh, ngày càng có nhiều ca mắc mới và ca mắc không rõ nguồn gốc.
Những bước lùi ở châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 28/7, Trung Quốc ghi nhận số ca mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng cao nhất kể từ đầu tháng 3 trong ngày thứ 2 liên tiếp với đa số trong 64 ca mắc mới là ở Tân Cương. Khu vực thuộc vùng cực Tây của Trung Quốc này chứng kiến làn sóng Covid-19 mới tại thủ phủ Urumqi từ ngày 15/7 sau gần 5 tháng không có ca mắc mới.
Dịch xuống phía Nam, tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), hơn 1.000 ca mắc mới được ghi nhận trong 2 tuần qua. Hong Kong cũng ghi nhận 6 ngày liên tiếp số ca mắc mới trên 100 trường hợp. Sự gia tăng này diễn ra sau khi Hong Kong dường như hoàn toàn không còn bóng dáng virus SARS-CoV-2, đang nới lỏng các lệnh hạn chế và bắt đầu thảo luận về “bong bóng du lịch” (Travel bubble) với các nơi khác trên thế giới hậu đại dịch.
Mặc dù chứng kiến số ca mắc mới giảm nhẹ ngày 27/7 nhưng Nhật Bản đang ghi nhận những số liệu tồi tệ nhất kể từ giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát với khoảng 5.000 ca mắc mới trong tuần qua. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Nhật Bản là Thủ đô Tokyo khi nơi này ghi nhận 6 ngày liên tiếp trên 200 ca mắc mới cho đến hôm 27/7 với 131 ca.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia |
Tại một nơi khác ở Thái Bình Dương, Australia, cũng đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Victoria ở phía Nam. Ngày 27/7, bang này đã ghi nhận thêm 384 người mắc Covid-19 chỉ trong 1 ngày.
Điều gì đã xảy ra?
Làn sóng dịch bệnh gần đây tại Hong Kong, Australia, Nhật Bản và những nơi khác đã khiến nhiều người bất ngờ. Điều này có thể là do virus hiện nay đã biến chủng để trở nên dễ lây nhiễm hơn, hoặc các ca mắc trên đơn giản đã không được phát hiện và bất ngờ đạt tới điểm bùng phát.
Ben Cowling, một giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong đã nhận định rằng, “chúng ta có lẽ chưa bao giờ biết” làn sóng dịch bệnh gần đây nhất trong thành phố này đã bắt đầu như thế nào.
Tuần này, chính quyền Hong Kong sẽ thông báo về việc đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc và hạn chế tụ tập trên 2 người ở nơi công cộng. Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ xây dựng một bệnh viện dã chiến gần sân bay của Hong Kong với sức chứa khoảng 2.000 giường bệnh.
Còn tại Australia, mặc dù bang Victoria đang được đặt dưới các quy định phong tỏa nghiêm ngặt nhưng các nhà chức trách vẫn đang chật vật để đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát. Các chuyên gia cho rằng nhiều ca mắc ở đây có thể đã diễn ra cách đó một vài tuần và chỉ mới được phát hiện thời gian gần đây.
Vẫn còn chặng đường dài khó khăn phía trước
Thực trạng tại châu Á - Thái Bình Dương - khu vực được cho là phản ứng hiệu quả nhất trước dịch Covid-19 đã cho thấy nhiệm vụ đầy thách thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại những nơi khác trên thế giới, ít nhất là cho đến khi vaccine được tìm ra.
Dù vậy, mặc dù chứng kiến sự gia tăng các ca mắc mới nhưng số ca mắc tại Australia, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản vẫn không đến mức tồi tệ như Mỹ và Brazil.
Cho đến lúc này, vaccine vẫn là niềm hi vọng để ngăn chặn dịch bệnh. Phát biểu hôm 27/7, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci cho biết, nếu một loại vaccine hiệu quả được tìm ra và đủ cung cấp cho mọi người thì khi đó đại dịch mới có thể chấm dứt.