Vì sao cán bộ vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ?
Tin tức 17/05/2020 11:11
Liên quan đến thông tin có nhiều trường hợp người dân thuộc đối tượng cận nghèo ở Thanh Hóa phản ánh việc họ bị ép ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ, ngày 16/5, PV Ngày mới online (Người cao tuổi) đã về một số địa phương để tìm hiểu sự việc.
Vận động không lấy tiền hỗ trợ…
Theo ghi nhận thực tế, những điều phản ánh trên là có cơ sở, tại xã Hải Ninh (huyện Tĩnh Gia) có việc Trưởng thôn Hạnh Phúc đã vận động đối tượng cận nghèo ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ. Tại bản tường trình gửi lên xã, ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc viết: “Trong thời gian qua tôi có động viên được 21 hộ không nhận hỗ trợ dịch Covid-19, trong đó có 14 hộ đã ký nhưng thực tế sau đó họ vẫn được nhận tiền. Trên cương vị là Trưởng thôn, còn làm thì còn có sai sót. Bản thân tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm kiểm điểm trước tập thể UBND xã”.
Tương tự, ở thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn), một số hộ cận nghèo tại địa phương này phản ánh việc cán bộ thôn, xã có vận động họ không tham gia nhận tiền hỗ trợ nếu không sẽ cắt khỏi danh sách hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Hiệu, thôn Trung Bắc, thị trấn Nga Sơn nói: “Ban đầu, cán bộ có vận động nhà tôi tự nguyện không nhận số tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu vẫn cố tình nhận thì trong đợt xét hộ cận nghèo lần sau nhà tôi sẽ bị đưa ra khỏi hộ cận nghèo. Nhưng tôi không đồng ý, vì một đồng của Nhà nước cho, tôi cũng quý và nhận. Gia đình tôi có 8 khẩu nhưng không hiểu sao chỉ được nhận tiền của 5 khẩu, còn cán bộ giải thích 3 khẩu trẻ con là không được nhận.”
Ông Nguyễn Văn Gấm, Trưởng tiểu khu Trung Bắc cho biết: “Tiểu khu này có 37 hộ cận nghèo nhưng rất nhiều hộ có kinh tế ổn định. Chúng tôi vận động các hộ trên tinh thần nếu thấy điều kiện chưa thực sự khó khăn thì đừng nhận, hỗ trợ lại cho nhà nước. Thôn có 15 hộ nhất trí không nhận, ban đầu chúng tôi làm đơn sẵn cho các hộ ký vào, giờ thì yêu cầu các hộ viết tay. Nhưng đến nay chỉ có 10 hộ viết, còn 5 hộ lại đòi nhận tiền, trong đó có 2 hộ xin nhận hỗ trợ cho 2 cháu nhỏ, còn người lớn không nhận.”
Ông Nguyễn Văn Gấm, Trưởng tiểu khu Trung Bắc trao đổi với PV |
Theo ông Lưu Văn Phúc, Trưởng tiểu khu Thắng Thịnh (Thị Trấn Nga Sơn): “Đây là chỉ đạo của cấp trên, thôn chỉ triển khai vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ. Tôi nghĩ những nhà cận nghèo mà có nhà lầu, xe hơi thì đừng nhận tiền mà mang tiếng.”
Bà Trương Thị Hoài, Chủ tịch thị trấn Nga Sơn cho biết: “Tại thị trấn đã chi trả đợt 1 cho 1.460 khẩu của 4 loại đối tượng. Trong đó, chỉ có 10 hộ viết đơn không nhận tiền hỗ trợ thôi. Còn việc các hộ cận nghèo mà có điều kiện, có nhà lầu, xe hơi thì tôi chưa nắm được. Bởi 2 thôn này trước đây là của xã Nga Hưng vừa sáp nhập vào thị trấn nên chúng tôi chỉ biết tiếp nhận danh sách chứ chưa rà soát lại”.
…Vì nhiều hộ cận nghèo có nhà lầu xe hơi
Theo tìm hiểu, đa số các hộ được vận động không nhận tiền đều thuộc diện hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng tiểu khu Thắng Thịnh, thị Trấn Nga Sơn cho rằng: Đây là do hệ lụy của việc bình bầu hộ cận nghèo không đúng với thực tế. Tại thôn tôi có 35 hộ cận nghèo nhưng chỉ có khoảng 13 hộ là đúng cận nghèo, khó khăn. Còn hơn 20 hộ đều là các hộ có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí nhiều hộ có nhà 2 tầng, có ô tô con. Những đối tượng này họ xin vào cận nghèo nhằm vay vốn, hoặc cho con đi học để hưởng chính sách của Nhà nước. Nay tự dưng Covid-19, được nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi cũng vận động họ đừng lấy tiền mà mang tiếng, trả lại cho Nhà nước dành cho người khó khăn hơn. Nhưng các hộ họ không đồng ý, họ bảo Nhà nước cho thì họ nhận nên chúng tôi cũng tiến hành chi trả cả.”
Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: Hiện nay thôn Hạnh Phúc có 13 hộ, với 57 nhân khẩu thuộc đối tượng cận nghèo tự nguyện viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 do thôn trưởng vận động. Có xảy ra việc này vì việc bình xét hộ cận nghèo ở thôn Hạnh Phúc trước đó chưa thực sự chính xác. Có những gia đình tuy không đảm bảo các tiêu chí nhưng vẫn được bình xét thuộc diện cận nghèo để được hưởng lợi từ một số chính sách của Đảng và Nhà nước như: Vay vốn ưu đãi, con cái đi học được miễn giảm các khoản đóng góp…
Nhiều hộ thuộc diện nghèo tại thị trấn Nga Sơn có điều kiện kinh tế khá |
Anh Lê Văn Khánh, xóm 2, thôn Hạnh Phúc, người ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ sau khi trưởng thôn đến vận động cho biết: Gia đình tôi làm nghề thu mua hải sản, điều kiện kinh tế khá. Vợ chồng cũng mới xây ngôi nhà tiền tỷ. Hai năm nay nhà tôi được thôn, xã bình xét hộ cận nghèo, ngoài việc con cái được miễn giảm học hành thì vợ chồng tôi được vay các chế độ ưu đãi khoảng 300 triệu đồng, góp vào để xây dựng ngôi nhà này.”
Như vậy việc nhiều gia đình e ngại, hoặc bị ép không nhận tiền hỗ trợ vì gia đình có kinh tế ổn định, thậm chí nhiều hộ có nhà lầu xe hơi. Từ mâu thuẫn này, dư luận đặt câu hỏi về sự thiếu minh bạch, công tâm trong quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo vì mục đích lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước?