Vay trái phiếu Chính phủ giảm rủi ro khi thị trường có nhiều biến động
Kinh tế 29/05/2023 13:12
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính - NSNN và quản lý nợ công, cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác tài chính - NSNN và quản lý nợ công đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vay trái phiếu Chính phủ giảm rủi ro khi thị trường có nhiều biến động. |
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, tác động tới nguồn thu NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi NSNN chủ động, chặt chẽ, tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó, Chính phủ tổ chức tốt công tác huy động vốn theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021, đảm bảo đủ nguồn đáp ứng nhu cầu chi trả nợ, bù đắp bội chi cho chi đầu tư phát triển, phát triển thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả của NSNN.
Theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 của Chính phủ trình Quốc hội, dự toán tổng mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng; quyết toán là 455.927 tỷ đồng, giảm 152.642 tỷ đồng (25,1%) so với dự toán.
Trong đó, đối với NSTW, dự toán vay là 579.772 tỷ đồng, bao gồm 318.870 để bù đắp bội chi và 260.902 tỷ đồng để trả nợ gốc; quyết toán vay là 449.516 tỷ đồng, bao gồm 211.650 để bù đắp bội chi và 237.866 tỷ đồng để trả nợ gốc, giảm 130.256 tỷ đồng (22,4%) so với dự toán. Thực tế đã vay là 392.389 tỷ đồng (trong đó, vay nước ngoài là 24.176 tỷ đồng, phát hành TPCP là 318.213 tỷ đồng, vay NQNN là 50.000 tỷ đồng), còn thấp hơn số quyết toán.
Trong quá trình điều hành vay, Bộ Tài chính cũng luôn theo dõi sát sao tình hình thị trường, tiến độ thu chi NSNN để đảm bảo mức vay phù hợp với nhu cầu chi và giảm số vay khi thu NSNN đạt khá và tiến độ chi đầu tư công còn chậm.
Đối với vay trong nước qua phát hành TPCP, kế hoạch phát hành TPCP đầu năm là 373.000 tỷ đồng; căn cứ dự kiến tình hình thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm 49.000 tỷ đồng, tương đương 13% so với kế hoạch, còn 324.000 tỷ đồng. Thực tế thực hiện là 318.213 tỷ đồng/324.000 tỷ đồng kế hoạch. Có thể thấy, TPCP phát hành trong nước đã ngày càng trở thành nguồn vốn vay quan trọng và chủ yếu của NSTW, qua đó cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu trả nợ gốc vay của NSTW trong và ngoài nước, đảm bảo giữ uy tín với các nhà đầu tư; đồng thời, dành phần còn lại cho chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong công tác phát hành TPCP cũng cơ bản đều đáp ứng các mục tiêu Quốc hội đề ra như: Kỳ hạn phát hành đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường TPCP, trong đó kỳ hạn phát hành trong năm đều từ 5 năm trở lên (92% khối lượng TPCP phát hành có kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm); kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt 13,92 năm, cao hơn mục tiêu từ 9 - 11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Danh mục nợ TPCP tiếp tục được cải thiện một cách hiệu quả, với thời gian đáo hạn bình quân đạt 9,27 năm, giúp NSNN không gặp rủi ro khi phải bố trí nguồn trả nợ trong ngắn hạn. Lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2021 là 2,3%/năm, thấp hơn mức bình quân của các năm trước.
Với kết quả đó, trong năm 2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đánh giá cao công tác quản lý ngân sách, quản lý nợ của Chính phủ và nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định; S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng Ổn định.
Để giảm chi phí vay của NSTW và nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), bên cạnh các nguồn vay khác, Bộ Tài chính cũng sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho NSTW vay, đảm bảo tổng các nguồn vay này trong phạm vi tổng mức vay do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, nguồn NQNN đều đã được gắn với từng nhiệm vụ chi cụ thể theo kế hoạch như: nguồn kinh phí chi đầu tư công chưa giải ngân, nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương chưa thực hiện... nên mang tính chất tạm thời nhàn rỗi “ngắn hạn” và chỉ nên sử dụng cho NSTW vay với khối lượng và thời gian phù hợp. Thực tế năm 2021, Bộ Tài chính đã cân đối nguồn NQNN cho NSTW vay bù đắp bội chi là 50.000 tỷ đồng.
Nguồn NQNN được tập trung toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi chưa sử dụng được ưu tiên cho NSTW vay, phần còn lại mà NSNN chưa có nhu cầu vay được gửi có kỳ hạn tại các NHTM an toàn cao theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước. Phương thức thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả theo quy định và phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới. Thông qua hoạt động quản lý NQNN theo chế độ quy định, đến nay Bộ Tài chính đã tạo thêm nguồn thu và thực hiện nộp NSNN. Đến nay, KBNN đã nộp NSNN 19.100 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động quản lý NQNN, trong đó riêng năm 2021 là 2.000 tỷ đồng.