Vai trò của người cao tuổi ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Biểu dương cán bộ hội tiêu biểu 24/09/2020 18:41
Từ nỗ lực chung của đội ngũ cán bộ, hội viên NCT trong tỉnh, lớp người “cây cao bóng cả” được chăm sóc chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần; là cơ sở thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng", nâng cao vị thế vai trò của tổ chức Hội và NCT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những cán bộ Hội NCT xuất sắc được UBND tỉnh khen thưởng |
Trong bối cảnh hòa nhập nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được khẳng định và gắn bó mật thiết với trách nhiệm của thế hệ trẻ. Mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa quý báu, thông qua các hoạt động du lịch trên địa bàn, sự du nhập và tác động của văn hóa nước ngoài vào Thừa Thiên - Huế cũng đặt ra nhiều trăn trở với lớp người cao tuổi. Nếu không định hướng rõ ràng, việc mai một các loại hình văn hóa dân gian, các lễ hội hay làng nghề truyền thống là không tránh khỏi.
Buổi sinh hoạt của CLB Dưỡng sinh NCT tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh chia sẻ: So với các ngành nghề hiện đại được đào tạo qua trường lớp thì ngành nghề truyền thống được truyền nghề một cách có hệ thống, từ đời này sang đời khác, từ kinh nghiệm của các bậc ông bà, cha mẹ đến con cháu. Song do phải bươn chải, lo toan cuộc sống, hầu hết những lao động nông thôn trẻ, khỏe chọn nghề có thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày công, như mộc, nề, hàn… hoặc đi làm ăn xa. Đối với các ngành nghề truyền thống, lực lượng lao động đa phần là phụ nữ hoặc NCT đang còn sức khỏe.
Vì vậy, phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” trong lĩnh vực này đã phát huy vai trò của hội viên, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Đơn cử như nghề làm nón không tốn sức, chỉ cần sự khéo tay và lòng kiên trì nên thu hút nhiều NCT tham gia. Một nghệ nhân làng nghề cho biết: Tùy vào từng loại nón dừa hay nón lá, điều kiện sức khỏe, tuổi tác thì thời gian để hoàn thành một chiếc nón sẽ khác nhau và mức giá cũng khác nhau.
Những con đường sạch đẹp, rợp bóng cây xanh ở TP Huế có sự góp sức của NCT |
Hội NCT các cấp không chỉ khích lệ hội viên tích cực làm ra sản phẩm đẹp, chất lượng giới thiệu với du khách mà còn tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, truyền tâm huyết, hướng cho thế hệ trẻ tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như nhã nhạc cung đình Huế, các làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc, hoa giấy Thanh Tiên ở Phú Vang, mây tre đan ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), mộc mĩ nghệ Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền), lễ hội đua thuyền cầu ngư đầu năm của làng An Cư Đông (Lăng Cô) hay dệt zeng A Lưới…
Hưởng ứng chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, hằng năm, NCT tích cực tham gia trồng cây xanh tạo bóng mát ở khu dân cư, di tích lịch sử, trồng rừng ngập mặn, trồng cây chắn gió ven biển... Năm 2019, hội viên thị xã Hương Thủy trồng được 3.500 cây các loại; NCT huyện Phú Vang 1,2 triệu cây. NCT xã Vinh Mỹ và Giang Hải (huyện Phú Lộc) trồng trên 15.000 cây rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển. NCT 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền phối hợp với Bộ đội Biên phòng kí kết chương trình phối hợp và tập huấn bảo vệ an ninh biên giới vùng biển cho 100% NCT; phối hợp với Công an về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư, thu hút 95% NCT tham gia.
Hưởng ứng phát động của Chủ tịch UBND tỉnh về phong trào ngày “Chủ nhật xanh”, NCT thị xã Hương Trà, các huyện Quảng Điền, Nam Đông đã dành hàng nghìn ngày công làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp.