Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây để bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi
Sự kiện 11/02/2022 13:24
Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi Nhân dân phải trồng cây xanh để bảo vệ môi trường thiên nhiên. Khi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại vườn hoa Thanh niên, Người khuyên thanh niên phải tích cực tham gia trồng cây: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” và Người nói lên khát vọng: "Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ Chủ nghĩa xã hội đến Chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi"[1]
Phải nói là lời dạy của Bác Hồ chứa đựng hàm ý sâu xa, không chỉ khuyên thanh niên nước ta tình nguyện trồng cây để xanh hóa đất nước, mà còn là công việc giáo dục thanh niên nói riêng và Nhân dân nói chung về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hình tượng con đường cây xanh nối từ thủ đô Hà Nội đến thủ đô của phe xã hội chủ nghĩa. Cụm từ “xanh tươi” do Người dùng để chỉ một màu xanh trường tồn, một màu xanh hy vọng, một màu xanh khát vọng của loài người – xây dựng con đường đi từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản xanh tươi. Quan điểm “xanh tươi” của Bác Hồ là tư tưởng xuyên suốt, là thông điệp lâu dài, có giá trị vĩnh viễn, mang tính thời đại. Bởi vì, ngày nay, trên Thế giới và Việt Nam đều lấy ý tưởng “xanh” làm tiền đề để bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngày nay, ở Việt Nam, mục tiêu “xanh” hoặc “xanh tươi” đã trở thành cam kết chính trị của Đảng, cam kết pháp lý của Nhà nước và hành động của toàn dân đối với phát triển bền vững môi trường thiên nhiên. Những chương trình, kế hoạch, dự án, phong trào của Nhà nước, các ngành, các cấp và các đoàn thể Nhân dân đã dùng phổ biến cụm từ xanh tươi: Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh, con đường xanh, khu dân cư xanh, cơ quan và đơn vị xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, chợ xanh…
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì (nay là TP Hà Nội) sáng ngày 16/2/1969. Ảnh tư liệu. |
Chúng tôi dùng quan điểm “xanh tươi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm mục tiêu trong bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi của đất nước.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và là nguồn cảm hứng vô tận cho phong trào “Tết trồng cây”. Vì vậy, trong những bài nói, viết của mình, Người nhắc tới từ “trồng cây” 147 lần, “Tết trồng cây” tới 46 lần; đặc biệt 5 năm liền Bác Hồ viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây” với những tư tưởng đặc sắc về vấn đề này”[2].
Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác Hồ viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân dân số 1901. Người khuyên nông dân: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Và “mỗi gia đình nên trồng một bụi tre”[3]. Lời khuyên của Bác Hồ ngắn gọn, ân cần, cụ thể, mà bất kỳ người nông dân nào của nước ta cũng hiểu, cũng có thể làm theo. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Người chỉ rõ: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển” [4]. Người giải thích rõ “Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả”[5]. Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng tri thức bản địa của Nhân dân vào kêu gọi nông dân trồng cây: Công trồng đã quan trọng, nhưng công chăm sóc bảo vệ càng quan trọng hơn. Người cũng cho rằng, phải tích cực trồng rừng ven biển để phòng-chống gió bão, sóng biển, sạt lở, cát xâm lấn vào làng xóm, đồng ruộng. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cách liên hệ khéo léo rằng, việc trồng cây là cách để phân biệt tính ưu việt của chế độ ta so với chế độ cũ, nhất là so với bọn Mỹ - Diệm. Và qua đó, Người đã lên án đế quốc Mỹ và Ngụy quyền đã dùng chất độc hóa học để tàn phá rừng của nước ta: “Trong lúc bọn Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc Nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta. Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”[6]. Thông điệp của Người rất rõ ràng về mục tiêu, trồng cây là chế độ ưu việt của nước ta, trồng cây không chỉ cho đồng bào miền Bắc, mà trồng cây còn cho cả đồng bào miền Nam ruột thịt.
Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm đất nước ta có cảnh quan, môi trường ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Trong bài viết này, Người nêu rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây"[7] . Đối với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt, mà còn làm cho đất nước càng ngày càng xuân “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Bây giờ, mỗi khi đọc bài báo “Tết trồng cây”, chúng ta đều có cảm nhận được như Bác Hồ với bộ quần áo kaki giản dị, ngồi bàn bạc với dân, nói cho dân biết, dân hiểu, gợi ý cho dân bàn, hướng dẫn cho dân tự nguyện làm công việc ích nước, lợi nhà – Đó là trồng cây, và cũng như thấy hình ảnh Người trực tiếp trồng cây ở nơi này, nơi khác. Trong toàn bộ bài báo ngắn gọn, súc tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích “Mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, cây ăn quả, cây có hoa và cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta”[8] Bài báo của Hồ Chủ tịch ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trong giới hạn câu chữ nhất định, nhưng Người đã nói cho đồng bào ta biết lợi ích của trồng cây để bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi. Mặt khác, thông qua lời kêu gọi trồng cây, Người còn có ý tưởng biến việc làm đó thành phong trào thi đua yêu nước lâu dài trong Nhân dân và muốn kết nối giữa các thế hệ người Việt Nam, ai cũng có thể tham gia trồng cây: “Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây”[9]. Cụ thể hơn, Người đề xuất: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”[10]
Sáng ngày 11/1/1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (hiện nay là Công viên Thống Nhất). Để rồi từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng Nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng Người vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội.
Ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, mở đầu cho một năm trồng cây, theo đúng ý nguyện của Bác Hồ.
Nghiên cứu của chúng tôi gần đây cho biết, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề trồng cây ích nước, lợi nhà, mà Người còn cho rằng, cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là “trồng cây kháng chiến”. Trong những câu chuyện ông Vũ Kỳ kể về Nhân dân trong lòng Bác, có câu chuyện: “Một lần cả tiểu đội Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi bị đồng bào dân tộc thiểu số cật vấn rằng: Cứ trường kỳ kháng chiến thì đến bao giờ thắng lợi? Bí quá, tất cả xin khất về xin ý kiến của Người. Bác Hồ ân cần dạy các chiến sỹ: “Sao các chú không trả lời - Bác nói rõ - trồng khoai thì mất ba tháng cho củ. Trồng lúa mất sáu tháng thì cho hạt nếu được tưới tắm, chăm sóc tốt. Trồng cây "kháng chiến" mùa thu hoạch không hẹn trước nên ai ai cũng phải gắng sức chăm bón tất sẽ sớm thành công. Đồng bào đừng hỏi trước mà nên gắng sức vun trồng cây "kháng chiến" trước”[11]. Câu chuyện của ông Vũ Kỳ đã cho chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lấy các yếu tố của môi trường thiên nhiên “trồng khoai, trồng lúa” để so sánh với yếu tố của môi trường xã hội “trồng cây kháng chiến”. Đây là một sự so sánh hết sức hợp lý, đúng với quy luật phát triển của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm biện chứng, thống nhất trong sự phát triển bền vững “trồng khoai, trồng lúa, trồng cây kháng chiến” đều phải do dân gắng sức tham gia mới sớm có hoa thơm, trái ngọt và kháng chiến, kiến quốc mới thành công.
Sinh thời, Bác Hồ luôn coi trọng việc trồng cây. Ảnh tư liệu. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn bảo vệ môi trường thiên nhiên, trước hết phải bảo vệ rừng: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”[12]. Câu nói của Người chỉ gồm 14 chữ, nhưng đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng của rừng. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chỉ rõ, rừng là nơi khởi nguồn của các dân tộc Việt, rừng là lá phổi xanh, rừng là tấm áo giáp chắn gió bão, chắn sóng, chắn cát xâm lấn, rừng là tấm thảm xanh phủ trên mặt đất; rừng là nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học và là nơi nghiên cứu khảo cố để làm rõ lịch sử ra đời của dân tộc Việt Nam; rừng cung cấp các loại sản phẩm nuôi sống con người và phục vụ cho sự phát triển đất nước; rừng là thủ đô kháng chiến, rừng là chiến khu kháng chiến, rừng là “vũ khí” hữu hình “che bộ đội, vây quân thù”… Chính vì hiểu rõ tầm quan trọng không thể thay thế của rừng đối với sự phát triển bền vững đất nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đó là loại vàng đặc biệt mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan niệm vai trò to lớn của rừng, mà Người còn quan niệm, muốn duy trì, phát triển loại vàng đó cần có sự chung tay bảo vệ của mọi người dân. Vế thứ hai trong lời dạy của Bác Hồ: “Nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Quan niệm của Hồ Chí Minh thể hiện mối quan hệ biện chứng thống nhất giữa vai trò quan trọng của rừng với sự chăm sóc bảo về rừng của Nhân dân, đúng với kinh nghiệm hàng ngàn năm của dân tộc: “Công làm là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Theo quan niệm của Người, rừng chỉ quý, một khi có sự xây dựng, bảo vệ của các dân tộc Việt Nam. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm về quy luật phát triển những yếu tố của môi trường thiên nhiên với những yếu tố của môi trường xã hội. Quan điểm đúng đắn của Người sẽ làm cho rừng mãi mãi xanh tươi, mãi mãi là loại vàng quý của dân tộc, góp phần quan trọng vào bảo vệ Môi trường thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây là ích nước, lợi nhà, là sự kết nối xanh tươi giữa các vùng miền, giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội, giữa các tôn giáo – Đó chính là góp phần xây dựng môi trường xã hội bền vững.
Chú thích:
[1] Sách đã dẫn, tr.195
[2] Nguyễn Bảo Minh: “Bác Hồ với Tết trồng cây”, Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 7/2/2019
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr.226-227
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr.184
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr.213
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội - 2011, t. 14, tr.20-21
[7] Hồ Chí Minh: Tuyển tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2002, t. 3, tr.259-260
[8] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002, t. 3, tr.259-260
[9] Sách đã dẫn, tr. 259
[10] Sách đã dẫn, tr.260
[11] Vũ Kỳ: “Nhân dân trong lòng Bác”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16/4/2018
[12] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002, t. 3, tr.477