Từ cậu bé mồ côi trở thành giáo sư danh tiếng, trọn đời tận hiến cho giáo dục Việt Nam
Giáo dục 20/08/2021 13:08
Nguyễn Xuân Thu là một trong những người Việt Nam hiếm hoi được phong hàm Giáo sư tại Trường Đại học công nghệ Hoàng gia Melbourne, Úc. Năm 1994, đúng lúc đỉnh cao của sự nghiệp, ông từ bỏ tất cả để trở về Việt Nam, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Suốt nhiều năm, ông đã cố vấn không lương cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều trường đại học, tìm kiếm hàng trăm suất học bổng du học Úc cho nhiều sinh viên Việt Nam, ông là người có công lớn nhất trong việc thành lập Trường RMIT - trường đại học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Cuộc đời ông là một số phận đặc biệt với biết bao sóng gió, thăng trầm. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là một nghị lực sống mãnh liệt, một tài năng, một nhân cách sáng ngời với khác vọng tận hiến cho đất nước. Ông bảo: “Tôi luôn tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai và vì thế, mọi công việc của tôi là đầu tư vào tương lai. Đối với tôi, giáo dục là tương lai”.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, sinh năm 1935, tại làng Đơn Duệ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; làng ông cũng là nơi nghèo đói nhất lúc bấy giờ của huyện. Cha ông rất giỏi chữ Hán, kiếm sống bằng nghề dạy học, bắt mạch và bốc thuốc tại nhà, cha mất lúc Nguyễn Xuân Thu mới 5 tuổi nên hình bóng, kí ức về người cha tài hoa mà bạc mệnh, được người mẹ nhắc đến qua câu nói con là đứa giống cha nhất trong nhà; vì thế nên tình cảm đều dành hết cho Nguyễn Xuân Thu (có 2 chị gái, em trai thì mất lúc nhỏ).
GS. Nguyễn Xuân Thu (bên phải) và GS. Trí Siêu Lê Mạnh Thát. |
Tuy nhà rất nghèo, nhưng mẹ vẫn lo cho Thu đi học khi 6 tuổi, những đứa trẻ trong làng được đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay, trường là ngôi nhà bỏ hoang, thầy Huy là ông giáo già mượn để dạy cho khoảng 10 học sinh. Nhờ sáng dạ vượt trội nên sau thời gian mẹ Thu xin chuyển lên học tại Trường Tiểu học Vĩnh Linh, cách nhà chừng 3km. Chưa đầy 3 năm thì Nhật đảo chính, Việt Minh lên nắm chính quyền, năm 1947, quân Pháp kéo về làng đóng đồn ở Hồ Xá cách làng Đơn Duệ chừng 3 km. Những ngày ấy, không khí xóm làng vô cùng ngột ngạt, căng thẳng.
Kí ức êm đềm duy nhất của tuổi thơ cậu bé Thu có lẽ là vào những đêm trăng mùa Hạ; mẹ trải chiếc chiếu đầu hè, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay quạt cho cậu ngủ; nhìn khuôn mặt mẹ thật hiền từ nhưng hiện rõ ánh mắt buồn lo dù đôi lúc có cười, vì cuộc đời mẹ có nhiều buồn đau, sầu tủi. Những đêm trăng thanh bình ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu; sau một tuần lâm trọng bệnh, trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ nắm tay Thu với ánh mắt xót xa: “Mẹ chết, ai là người chăm sóc, nuôi nấng con đây; tội nghiệp con tôi”. Mẹ ra đi khi Thu mới 13 tuổi, vừa bắt đầu học lớp nhì (lớp 4 bây giờ). Cha mất lúc lên 5 nên chẳng hiểu gì nỗi đau mất cha; nhưng lần này Thu mới biết tận cùng thế nào là nỗi đau mất mẹ, Thu cứ ôm quan tài mà khóc từ sáng đến chiều, nhìn đất trời như sụp đổ tan hoang, biết nương tựa vào ai bây giờ? Xuân Thu phải từ giã học đường. Đầu năm 1948, lính pháp càn quét vào làng, nhiều người bị bắn, bị hãm hiếp, chúng nghi ngờ Thu làm liên lạc cho du kích Việt Minh nên bắt đưa về giam tại Hồ Xá, đánh đập, tra tấn đủ kiểu nhưng Thu một mực không khai vì sự thật Thu đâu có làm gì. Trong một lần được ra ngoài quét dọn sân, nhờ biết chút tiếng Pháp khi học ở trường Vĩnh Linh nên Thu được nhận vào làm phục vụ trong câu lạc bộ hạ sĩ quan, công việc chủ yếu là bưng bê, lau rửa chén bát, được phép ăn những món thừa của lính Pháp để lại, không còn lo đói như trước, gần một năm thì Thu được tha. Trở về nhà gặp chị được ba hôm nhưng thấy cuộc sống mong manh, chết chóc cận kề nên Thu xin chị ra đi. Nhưng đi đâu vẫn chưa định hướng, không ngờ đây là chuyến đi dài ngày nhất cả nửa thế kỉ (cho đến năm 1991 Thu mới trở lại thăm làng). Sau khi từ giã chị, Thu đón xe về tỉnh Quảng Trị, đang lang thang tìm việc làm thì gặp một chị nói giọng Quảng Nam nhận Thu về ở nhà cùng vợ chồng chị, giặt đồ thuê cho lính Tây được nuôi cơm. Làm phụ chị được vài tháng thì Thu nghe tin có một đơn vị pháo binh cần tuyển người biết nói tiếng Pháp làm tạp vụ, Thu đánh liều xin ứng tuyển, khi phỏng vấn Thu trả lời rành rọt (vì có thời gian làm việc trong câu lạc bộ sĩ quan Pháp) nên viên sĩ quan nhận Thu ngay. Thu thấy vui vì không còn lo việc ăn ở. Tuy nhiên, được 9 tháng đơn vị này chuyển đi nơi khác, Thu mất việc làm, trở lại những ngày vất vả, đói khát.
Rồi thời gian trôi nhanh, tháng 8/1954, một trong những bước ngoặc lớn nhất trong cuộc đời cậu bé mồ côi Nguyễn Xuân Thu; nhờ sự giúp đỡ của một người quen cùng quê đang làm sĩ quan trong quân đội Pháp ở thành phố Huế, Nguyễn Xuân Thu được nhận vào Trường Thiếu sinh quân; đây là nơi mà trước đó không lâu, mỗi khi theo ô tô của đồn PK17 vào Huế để phụ mua thực phẩm cho Câu lạc bộ Hạ sĩ quan Quảng Trị, nhìn thấy học sinh của trường, khác vọng được đi học lại trỗi dậy trong Thu. Trường Thiếu sinh quân do quân đội Pháp lập ra, thời gian đầu là để nuôi dạy con em của những quân nhân đã chết hay bị thương; về sau trường nhận cả các em có quan hệ họ hàng với những người trong quân đội. Tuy nhiên, trường chỉ nhận trẻ em từ 14 tuổi trở xuống vào học lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ), nhưng lúc đó Thu thì đã 19 tuổi, để học được, buộc lòng Thu phải nhờ người làm lại giấy khai sinh nhỏ gần 6 tuổi. Nhờ thấp bé, nhỏ con trắng trẻo, trông trẻ so với tuổi nên không ai phát hiện ra.