Trung Quốc trong đối sách “cương - nhu” với Mỹ
Câu chuyện quốc tế 31/07/2020 10:27
Cương nhưng vẫn e dè Mỹ
Giới quan sát nhận định, mặc dù phía Trung Quốc xuất hiện thái độ “chiến binh sói” ở các nhà ngoại giao và nhà báo mạng, nước này vẫn tránh những hành động khiêu khích thái quá, họ vẫn chưa và khó có thể đáp trả các loạt công kích ngoại giao của Mỹ với cường độ tương tự.
Căng thẳng gia tăng vào tuần trước khi Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc ở thành phố Houston trong vòng 72 giờ đồng hồ tiếp theo, với cáo buộc về hoạt động tình báo. Nhưng Bắc Kinh đáp trả Washington bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, chứ không phải là các cơ sở quan trọng của Mỹ ở Thượng Hải hay Hong Kong.
Zhang Baohui, một giáo sư chính trị học tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nhận định: “Về cơ bản, Trung Quốc có ý đồ muốn thể hiện rằng mình vẫn cứng rắn nhưng không muốn leo thang căng thẳng”.
Vẫn muốn làm ăn với Mỹ
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu “sủi bọt” vào giữa năm 2018, khi Washington “bắn những phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại vẫn kéo dài cho tới nay. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khước từ đàm phán thương mại tiếp với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khẳng định lập trường cam kết với thỏa thuận thương mại mà hai nước đã kí vào tháng 1.
Công nhân tháo biển tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (Trung Quốc) sau khi cơ quan này bị đóng cửa. Ảnh: Simon Song |
Mối quan hệ chỉ xấu đi khi hai cường quốc này đụng độ nhau trong cuộc cạnh tranh công nghệ, lĩnh vực gián điệp kinh tế, đại dịch Covid-19 và trước các hành động của Trung Quốc ở Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.
Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công khai kêu gọi hòa giải và đối thoại “chừng nào Mỹ sẵn lòng”.
Chủ động phản ứng ở mức độ vừa phải
Cua Lei, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Chiến lược của Bắc Kinh là duy trì ổn định, bày tỏ thiện chí và giữ hình ảnh họ không bỏ cuộc. Chừng nào Mỹ không muốn chiến tranh thì vẫn còn chỗ cho đàm phán”.
Shi Yinhong, một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc và là chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng trong các năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng tránh phản ứng lại các hoạt động của Mỹ với cường độ tương tự.
Zhu Feng, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), cho biết: “Về mặt đối nội, Trung Quốc đã cố gắng tránh tỏ ra mềm yếu bằng quyết định trả đũa ở Thành Đô, nhưng họ đồng thời tỏ rõ mình đang gắng né tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Mỹ đang muốn áp đặt lên Trung Quốc”.
Lấy lòng khối ASEAN để giảm nhẹ áp lực từ Mỹ
Hiện Thái Lan và Philippines là các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Nhưng cũng có nhiều nước khác có quan hệ ngày càng thân thiện với Mỹ.
Vào tháng 7 này, Mỹ đã thực hiện các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, huy động hai tàu sân bay thuộc hạm đội Thái Bình Dương. Loạt tập trận này vừa là để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho các bên tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, vừa là một phần trong chiến lược kiềm chế mà Tổng thống Mỹ thực hiện với Trung Quốc trước thềm bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích dữ dội hoạt động quân sự của Mỹ, coi đó là sự can thiệp vào tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm với tân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khéo nhắc Singapore chớ có đứng về phía Mỹ và hứa, sẽ hợp tác với Singapore để “vượt qua những điều gây nhiễu”.
Trung Quốc cũng công bố một thỏa thuận thương mại tự do với Campuchia, một nước có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Mặc dù nhiều nước ASEAN hướng tới Mỹ để tìm kiếm quan hệ đối tác an ninh, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này trong thập kỉ qua. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước ASEAN càng sâu sắc hơn nữa thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” - một dự án mà ông Tập đầu tư nhiều tâm huyết vào đó.