TP Hồ Chí Minh: Tăng công suất động lực phát triển kinh tế
Kinh tế 01/01/2023 09:00
1.Với chủ đề Xuân an vui, Xuân thịnh vượng, TP Hồ Chí Minh chào đón năm 2023 và Tết Quý Mão với 19 sự kiện văn hoá, như: Lễ hội TP Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta, có sự tham gia của đại diện 23 thành phố kết nghĩa ở một số nước, Ngày hội Âm nhạc quốc tế Hò dô, chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, Hội đường hoa Nguyễn Huệ, Hội đường sách…
Những hoạt động thường niên dịp cuối năm và Tết đến Xuân về tạo nên nét riêng của TP Hồ Chí Minh được duy trì, mở rộng, như Hội hoa Xuân, chợ hoa Tết, chợ hoa Tết trên bến dưới thuyền, Ngày hội Bánh tét, Ngày Thơ Việt Nam…
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm thành phố sang khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
Tôi mở đầu bài viết hơi dài như vậy để quý bạn đọc thấy rằng, Covid-19 xảy ra trong hai năm, đỉnh điểm là 5 tháng ròng rã, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, đã “bào mòn” nguồn lực, nhưng từ tháng 11/2021, khi đại dịch bị đẩy lui, TP Hồ Chí Minh đã mau chóng trở lại là thành phố có nhiều cái nhất, trong đó có hai cái nhất quan trọng nhất: Nền kinh tế năng động nhất, đóng góp cho quốc gia nhiều nhất. Chẳng hạn, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ mốc âm gần 25% và trên 11,6% vào quý III và IV/2021, năm 2022 đã đảo chiều, tăng 9,44%, vượt kế hoạch đề ra 6-6,5%, thu ngân sách đạt 426.000 tỉ đồng, vượt 40.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước 79% trong số đó (đã được giảm 3% so với 2021).
19 sự kiện văn hoá tổ chức vào dịp cuối năm dương lịch và Tết Quý Mão 2023 là minh chứng TP Hồ Chí Minh đã dồn lực chống đại dịch thành công, đã vượt qua bao đau thương, mất mát, đặc biệt là mất mát về người, để trở lại cuộc sống năng động, trở lại nền kinh tế thị trường giàu chất nhân văn, đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát của cả nước.
Hầm chui qua sông Sài Gòn - một công trình tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. |
Tết Dương lịch và Tết Nhâm Dần 2022, TP Hồ Chí Minh tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ hoành tráng theo hình thức xã hội hoá, tổ chức Hội hoa Xuân Tao Đàn rầm rộ, không bán vé vào cổng để Nhân dân thư giãn thoải mái. Sau 2 năm, nhất là những tháng cao điểm cùng cả nước chống dịch, “người xa người” bởi phải cách li triệt để, những sự kiện như thế đã góp phần động viên tinh thần rất lớn, đã truyền cảm hứng lạc quan vào cuộc sống, vào công việc làm ăn để có một năm 2022, thành phố hoàn thành khá tốt một số mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
2. Nhưng trong niềm vui ấy, vẫn có bao việc phải lo toan, bởi TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có nhiều vướng mắc liên quan đến thể chế, định chế, chính sách, chủ trương trên hầu hết các lĩnh vực, như tài chính, nhân lực, hạ tầng, đầu tư... Do đó “Sự vượt trội của TP Hồ Chí Minh so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút, thu nhập bình quân đầu người không đạt” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã chỉ ra trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 2/12/2022, khi bàn về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Như vậy, Trung ương đã thấy rõ những điểm nghẽn, những vướng mắc của TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh càng hiểu rõ trọng trách làm sao để thành phố mang tên Bác xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, xứng đáng là thành phố giàu tiềm năng nhất, có nhiều chủ trương, cách làm sáng tạo nhất, con người nghĩa hiệp bậc nhất, là thành phố không người nghèo nào bị lãng quên với tầm cao thanh sạch của lòng nhân ái…
Bán đảo Thủ Thiêm sẽ là khu đô thị hiện đại nhất TP Hồ Chí Minh |
Trong những điểm nghẽn, tài chính, nhân lực, hạ tầng, đầu tư là đáng quan ngại nhất. Ngân sách nhà nước thu được, những năm trước để lại cho TP Hồ Chí Minh 18%, kiến nghị mãi, năm 2022 được tăng lên 21% trong khi yêu cầu ít nhất là 23%. Biết rằng ngân sách nhà nước còn phải điều tiết cho nhiều tỉnh, nhất là những tỉnh thu không đủ chi, nhưng “số tiền được giữ lại” ấy không đủ trang trải những việc lớn, chẳng han, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chống ngập, giải quyết nạn ách tắc giao thông và để phục vụ thêm 200.000 người khắp đất nước nhập dư mỗi năm cùng du khách ngày một tăng; không thể sớm xây dựng chuỗi đô thị Cần Giờ với kì vọng là cực kinh tế biển lớn nhất nước; không thể sớm di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch (giai đoạn 2016 - 2021 chỉ thực hiện được 12,4%); không thể hoàn thành 64 khu nhà ở xã hội giá thấp cho cả triệu người lao động, công chức, viên chức mua hoặc thuê… Từ đây đến 2030, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng 454 km đường cao tốc, đường vành đai, trục chính một số tuyến giao thông, với số vốn khoảng 1 triệu tỉ đồng (hơn 45 tỉ USD), riêng giai đoạn 2021 - 2025, cần khoảng 266.000 tỉ đồng, nhưng chỉ bố trí được 52.744 tỉ đồng, khoảng 19,8%.
Để tháo điểm nghẽn tồn tại từ lâu, năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ chí Minh, trong đó, thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lí, gồm đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện thì 2 năm TP. Hồ Chí Minh phải tập trung phòng chống dịch Cocid-19 khiến những chính sách thí điểm không phát huy được hiệu quả như kì vọng. Bối cảnh trên là cơ sở để lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm chính sách mới nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giải phóng nguồn lực phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế như mục tiêu đặt ra.
3. Làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành Trung ương ngày 27/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu cứ theo quy trình như hiện nay thì bất cứ vấn đề nào được cho là quá thẩm quyền của tỉnh - thành đều phải báo cáo, giải trình bằng văn bản và đường đi của văn bản rất lòng vòng, có khi 6 tháng, một năm chưa đến được Thủ tướng. Đó là quy trình có vẻ rất chặt chẽ nhưng quá nhiều tầng nấc. Chính sự "lòng vòng” này dẫn đến mất cơ hội, chậm tiến độ, phát sinh thêm hệ quả ở nhiều công trình xây dựng.
Thay thế quy trình, sửa đổi cơ chế không thể một sớm một chiều, nhưng cũng không thể chờ đợi, do vậy, Thủ tướng nêu ý định, do tầm quan trọng đặc biệt của TP Hồ Chí Minh, Chính phủ sẽ có một tổ công tác thường xuyên làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh. Tổ công tác là đầu mối thu nhận ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ TP Hồ Chí Minh một cách đầy đủ, chính xác và chuyển đến Thủ tướng nhanh nhất, tường minh nhất. Tất nhiên tổ công tác này không chỉ thu nhận và chuyển phát, mà còn giúp Thủ tướng sàng lọc, thẩm tra thông tin, lựa chọn phương án và tìm ra hướng giải quyết hợp lí. Như vậy, với Thủ tướng, đây là kênh thông tin khách quan và tin cậy nhất. Thực tế cho thấy, có nhiều kiến nghị hợp lí, đề xuất đúng của TP Hồ Chí Minh nhưng khi đi lòng vòng qua nhiều Bộ, ngành, cục, vụ đã bị chậm, đợi thu nhận đủ ý kiến phản hồi có khi mất cả năm, chưa kể nhiều thông tin bị "khúc xạ" theo cách hiểu của lãnh đạo các đơn vị và không loại trừ vì lợi ích nhóm, cho nên khi đến được Thủ tướng và Quốc hội thì nội dung đã khác đi. Tất nhiên, việc thành lập tổ công tác chỉ là một giải pháp tình thế, về lâu dài, cần tính đến cách vận hành "Chính phủ kiến tạo, địa phương hành động", tức là Nhà nước, Chính phủ lập hành lang pháp lí, tiêu chuẩn kĩ thuật, công cụ kiểm sát, còn lại phân quyền cho các tỉnh - thành thực hiện trên địa bàn của mình. Đó là cách quản trị hiện đại mà các nước phát triển đang áp dụng.
Một tin vui nữa đối với TP Hồ Chí Minh là trong cuộc họp ngày 2/12/2022, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng. Định hướng đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, chất lượng cuộc sống cao, là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Trước đó, giữa tháng 11/2022, tại kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã đồng ý cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội khoá XIV đến hết năm 2023 (thực hiện từ tháng 1/2018) thay vì cuối 2022, và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung để Quốc hội xem xét, ra nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất.
4. Là công dân của TP Hồ Chí Minh, chúng tôi biết thành phố còn rất nhiều việc lớn phải hoàn thành, như Metro số 1, số 2, đường Vành đai 3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, cao tốc Sài Gòn - Mộc Bài… và rất nhiều công trình an sinh xã hội. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm vô cùng quý báu, đó là lúc khó khăn, người dân muốn nhìn thấy hệ thống chính trị bật dậy, vươn tới, không chần chừ, e ngại và làm việc chăm chỉ, sáng tạo để sang năm mới, động lực phát triển kinh tế của cả nước tăng mạnh công suất…