Toàn cầu hóa và hiểm họa từ một loại virus
Câu chuyện quốc tế 22/02/2020 09:36
Trung Quốc xuất khẩu hơn 80% sản phẩm - bao gồm hàng công nghiệp và tiêu dùng, nguyên liệu thô và thực phẩm - bằng đường biển. Nếu các cảng bị đóng cửa, điều này sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu, tương tự việc nguồn cung dầu từ Saudi Arabia bị gián đoạn.
Ở mức độ nhất định, Trung Quốc có “năng lực làm đảo chiều” trong ngành sản xuất. Sự gián đoạn trong sản xuất có thể khiến phần lớn nền kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc, dù điều này vẫn còn rất xa.
Toàn cầu hóa giúp hàng triệu người ở các quốc gia thoát nghèo. Nó mang lại cho người dân các nước công nghiệp những chiếc ti vi và máy tính xách tay giá rẻ, nhưng đồng thời, nó khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước mọi sự gián đoạn, từ các cuộc tấn công khủng bố đến thiên tai và dịch bệnh. Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói “thế giới lâm nguy” khi họ đánh giá hậu quả kinh tế của một vấn đề khẩn cấp nghiêm trọng về sức khỏe toàn cầu vào năm ngoái.
Một đại dịch như cúm Tây Ban Nha, đã giết chết khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 1918 - 1920, sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu ngày nay khoảng 3.000 tỉ USD, các chuyên gia tính toán. Ngay cả dịch bệnh tương đối nhẹ cũng có thể gây thiệt hại lên tới hơn 2% GDP. “Thế giới không sẵn sàng trước dịch bệnh đường hô hấp do virus gây ra và lây lan nhanh chóng”, báo cáo cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình so sánh virus mới là “con quỷ” - từ đó khuấy động cảm xúc lây lan nhanh hơn cả virus: Nỗi sợ hãi.
Ở Malaysia, Hàn Quốc và Singapore, hàng trăm nghìn người đã kí đơn yêu cầu cấm người từ đại lục nhập cảnh. Ở Pháp, người gốc Á đã lên Twitter để phàn nàn về sự phân biệt đối xử, sử dụng hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (“Tôi không phải là virus”). Một số người thậm chí từ chối phục vụ người châu Á trong siêu thị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt khi xuất hiện tại Bắc Kinh ngày 10/2. |
Câu chuyện về dịch bệnh không chỉ là vấn đề y học và Trung Quốc. Đây là bài học về sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng - và các khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội - của thế giới ngày nay. Đó là câu chuyện về sự toàn cầu hóa của mối nguy hiểm.
Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc, là trung tâm của cuộc khủng hoảng. Đối với Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, người từng giúp phát hiện ra virus SARS, có một điều chắc chắn: Vũ Hán, nơi mọi chuyện bắt đầu, với số ca nhiễm và tử vong mới gia tăng từng ngày, những tuần tới sẽ cho thấy liệu virus có thể được ngăn chặn hay không - hay là thế giới sẽ phải chứng kiến virus lây lan từ nước này sang nước khác và từ châu lục này đến lục địa kia.
Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định khác nhau về việc khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh. Nhà dịch tễ học nổi tiếng nhất Trung Quốc, Chung Nam Sơn, dự đoán dịch sẽ đạt đỉnh trong tháng 2 và có thể kết thúc vào tháng 4, trong khi các chuyên gia ở Hong Kong và London nói phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 dịch mới đạt đỉnh. (Còn nữa)