Tỉnh Nghệ An: Từ đầu năm đến nay có 119 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc
Y tế 14/07/2022 17:15
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh. Ảnh: Báo Nghệ An |
Theo ông Dương Đình Chỉnh, trong số những người xin nghỉ việc có khoảng 2/3 là chuyển sang công tác tại các đơn vị y tế tư nhân, còn 1/3 có lý do cá nhân và sức khoẻ.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho rằng, xảy ra tình trạng trên có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trước đây, có Nghị định số 56 của Chính phủ về chế độ đặc thù cho cán bộ y tế nhưng nghị định đã hơn 10 năm, không còn phù hợp. Hiện Bộ Y tế và các bộ, ngành khác đang tham mưu Chính phủ thay đổi.
Thứ hai, đối với các tuyến bệnh viện ở Nghệ An thì chỉ còn mỗi Bệnh viện Tâm thần chưa tự chủ. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, lượng bệnh nhân đến viện giảm nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện. Tại các đơn vị tự chủ, vẫn còn 3 tiêu chí chưa thực hiện tính đúng, tính đủ giá nên nguồn sự nghiệp của các đơn vị này rất khó khăn. Ngoài chế độ lương thì chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế tại các bệnh viện này giảm nhiều.
Ngoài ra hiện nay, hệ thống bệnh viện tư nhân tại Nghệ An rất phát triển với 16 bệnh viện. Từ đây, có sự dịch chuyển từ đơn vị công lập ra ngoài công lập. Đối với bác sỹ nội trú ra trường, bệnh viện công lập chỉ trả từ 15-20 triệu đồng/tháng, trong khi bệnh viện tư nhân có thể trả từ 70-100 triệu đồng/tháng. "Cho nên, việc thu hút bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ giỏi gặp nhiều khó khăn ở các đơn vị y tế công lập", ông Chỉnh nhận định.
Nguyên nhân nữa là do áp lực công việc. Dịch Covid-19 đã "bào mòn" sức lực của các cán bộ, nhân viên y tế, như "lò xo đã giãn nở hết rồi". Trong thời gian qua, cán bộ y tế tại các bệnh viện phải làm 2 việc cùng lúc, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch Covid-19 nên công việc rất áp lực.
Mặt khác cũng theo ông Dương Đình Chỉnh, môi trường làm việc tại các đơn vị y tế công lập có đặc thù riêng, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi cán bộ y tế phải đổi mới nhiều, phải có điều kiện về sức khoẻ, năng lực, đặc biệt là tại các đơn vị tự chủ.
"Trước đây, cán bộ y tế rất thiết tha vào các bệnh viện công lập nhưng nay thì khác. Các đơn vị ngoài công lập được đầu tư máy móc dễ dàng hơn nên các cán bộ y tế có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề hơn. Từ đó, có sự dịch chuyển từ công lập ra ngoài công lập", ông Chỉnh nói.
Trước tình trạng này, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, giải pháp khắc phục trong thời gian tới là thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ y tế. Chỉ đạo các đơn vị y tế kịp thời biểu dương các cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh phục vụ người dân, trình các cấp khen thưởng, động viên kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện nâng cao các chế độ đãi ngộ, chăm lo đời sống cho cán bộ y tế. Tiếp tục cải thiện môi trường làm việc để làm sao cán bộ, nhân viên y tế yên tâm gắn bó với các bệnh viện công nhiều hơn.
Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Y tế, để giải quyết căn cơ tình trạng này thì ngành đã đề xuất Bộ Y tế trong thời gian tới cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tạo điều kiện thuận lợi, tăng thêm nguồn thu cho các đơn vị y tế, nâng cao chế độ cho cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm, kịp thời biểu dương khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh cho người dân.
Có chính sách thu hút đối với nguồn nhân lực của ngành y tế, đặc biệt tại tuyến huyện, khu vực y tế công cộng. Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường làm việc; có chính sách giữ nguyên biên chế cho các đơn vị y tế chưa tự chủ, y tế dự phòng.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 tổ chức ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Cụ thể, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, 6 tháng đầu năm 2022 con số này là 4.113 người (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng… |
Xuất hiện nhiều ca hoại tử xương vùng hàm mặt, sọ là bệnh nhân có tiền căn mắc COVID-19 Chỉ trong vòng 2 tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 11 trường hợp người bệnh bị viêm xương, hoại ... |
Phú Thọ: Thai phụ 28 tuần đã chuyển dạ, bác sĩ cấp cứu khâu vòng cổ tử cung giữ thai thành công Đó là trường hợp của chị N.T.H (38 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ), sinh con lần 3 khi tuổi đã khá cao nên ... |
Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc triệu chứng nôn, đau bụng? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết đang trong thời điểm giao mùa và ... |