"Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe NCT"
TW hội 06/09/2019 15:49
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam (HAIV); bà Ngô Thị Mến, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng ban Đối ngoại; đại diện một số tổ chức quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành dự.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu tham luận, Chuyên gia tư vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Vũ Đình Huy nêu khái niệm "già hóa khỏe mạnh" và quan niệm về tuổi tác và sức khỏe, ông cho rằng "chi tiêu cho chăm sóc NCT là một khoản đầu tư". Ở các nước thu nhập thấp, chăm sóc xã hội hầu như không có; còn các nước thu nhập cao, hoạt động này cũng chỉ mức độ và không bền vững. Trong khi sức khỏe NCT phụ thuộc rất nhiều vào hành vi, thói quen ở tuổi trẻ nhằm nâng cao năng lực nội tại. Hệ thống y tế, hệ thống chăm sóc xã hội và các điều kiện môi trường có vai trò rất lớn trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NCT.
Đại diện Hội NCT Việt Nam, Tổng cục Dân số, Tổ chức HAI chủ trì |
Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), đã có nhiều NCT có thẻ bảo hiểm y tế; nhiều bệnh viện cấp trung ương, cấp tỉnh có Khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng riêng khám cho NCT với hơn 8.000 giường điều trị nội trú. Tỉ lệ khám sức khỏe định kì cho NCT đạt 2,7%. Duy trì mạng lưới 29.200 tình nguyện viên chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; chậm phê duyệt đề án hoặc kế hoạch, chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư... Cần tăng cường truyền thông; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố kiện toàn hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng môi trường thân thiện với NCT...
Đại diện tổ chức quốc tế phát biểu |
Bà Ngô Thị Mến, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam cho rằng: Tuổi thọ trung bình đạt 73,4 nhưng nhiều NCT sức khỏe kém, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn...; rất ít NCT được khám bệnh định kì, chỉ khi bệnh nặng mới đi khám; điều kiện trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. Trung ương Hội cũng khuyến nghị Nhà nước cần có định hướng chiến lược xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống điều phối và giám sát chất lượng dịch vụ chăm sóc xã hội đối với NCT; khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe NCT thông qua ưu đãi vay vốn, thuế, điện nước sinh hoạt; đào tạo chuyên ngành lão khoa, kĩ năng chăm sóc sức khỏe NCT cho nhân viên y tế...
Đại biểu cơ sở thảo luận |
Đến từ Đại học Y Hà Nội, GS, TS Kim Bảo Giang nhận định: Đã có hoạt động khám sàng lọc cho NCT ở nhiều nơi nhưng chưa sàng lọc được vấn đề sức khỏe; nhận thức của cán bộ về chính sách, chương trình và các khía cạnh chăm sóc xã hội hạn chế. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn đến NCT trong các mục tiêu, chương trình; tăng cường bảo hiểm xã hội, bảo vệ tài chính cho việc chăm sóc sức khỏe NCT...
Chủ tịch Hội NCT kiêm Chủ nhiệm CLB LTHTGN thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Điểm phản ánh ở địa phương của bà mới có khoảng 55% NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế và theo bà, các cơ quan chức năng cần tăng cường tư vấn sức khỏe cho NCT; đầu tư trang thiết bị thể dục thể thao tại cộng đồng, xây dựng Khoa Lão khoa tại bệnh viện tuyến huyện; hỗ trợ vật chất, tinh thần cho hoạt động các CLB LTHTGN... Một số ý kiến thảo luận tại hội trường cũng nhấn mạnh cần thiết xây dựng chính sách toàn diện, dài hạn chăm sóc NCT, trong đó có chăm sóc sức khỏe.
Hội thảo "Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe NCT" thực sự là diễn đàn trao đổi thông tin, hợp tác hữu ích giữa các bên liên quan, các đối tác trong và ngoài nước; để trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phối hợp đề xuất, hoạch định chính sách chăm sóc NCT ngày càng tốt hơn, thích ứng già hóa dân số của Việt Nam và thế giới.