Tiên phong thực hiện mô hình trường bán trú, đứng thứ hai toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia
Giáo dục 21/03/2023 18:26
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với ba vùng: Vùng miền núi chiếm tới 83% diện tích với các dân tộc thiểu số, có 76 xã khu vực thuộc khu vực 3 theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, 550 thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của UBDT.
Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục Nghệ An luôn phát triển vững chắc, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Chất lượng học sinh giỏi luôn nằm tốp đầu cả nước. Đặc biệt chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nguồn lực có chất lượng cho Nghệ An. Bên cạnh đó cơ sở vật chất các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú cũng được Nghệ An quan tâm đầu tư hằng năm. Tính đến thời điểm tháng 2 năm 2023, Nghệ An có 62 trường PTDTBT, 56 trường phổ thông có học sinh bán trú với 18.029 học sinh tiểu học, THCS được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện mô hình trường PTDTBT, các địa phương miền núi Nghệ An đã sắp xếp sáp nhập, dồn dịch điểm trường góp phần thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế. Từ năm học 2010-2011 đến nay, 6 huyện núi cao của Nghệ An đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Tăng tỷ lệ học sinh bình quân/lớp tiến dần đến định mức tối đa theo điều lệ trường phổ thông.
Đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) |
Việc thành lập và tổ chức hoạt động theo mô hình DTBT đã góp phần tinh giản biên chế theo chủ trương của Chính phủ. Việc tổ chức bán trú sẽ nâng tỷ lệ học sinh/lớp, giảm được các trường lớp có quy mô nhỏ từ đó giảm giáo viên, giảm đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường lẻ, tiết kiệm được biên chế, ngân sách cho nhà nước. Có thêm nguồn lực tập trung đầu tư cho các điểm trường chính đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 .Học sinh dân tộc bán trú được nhà nước hỗ trợ chi phí ăn, ở và các hỗ trợ khác giúp học sinh an tâm học tập, giảm gánh nặng cho bố mẹ phải tham gia đưa đón, chăm sóc hàng ngày, nhất là đối với địa bàn miền núi có nhiều phụ huynh đi làm ăn xa. Việc tổ chức mô hình bán trú đã giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục. Các hoạt động trong các trường bán trú tạo ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, giúp học sinh phát triển toàn diện,giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao kĩ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, chia sẻ cùng nhau những khác biệt về nhận thức, văn hóa, nếp sống, ứng xử… Trong môi trường bán trú các em học sinh được giáo dục lao động, hình thành ở các em tình yêu lao động và khả năng hoàn thiện các kỹ năng, tạo ra các sản phẩm giúp cải thiện điểu kiện ăn, ở, học tập của các em.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thực hoạt động theo mô hình PTDTBT. Các trường học ở Nghệ An còn gặp rất nhiều khó khăn. Định mức số tiền ăn của học sinh/tháng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng với sự tăng giá của nhiều loại thực phẩm nên khó khăn trong thay đổi thực đơn hàng ngày. Nghệ An là tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho trường PTDTBT chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều học sinh phải ở trong các nhà tạm, các thiết bị phục vụ ăn ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn . Tỷ lệ giáo viên các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú còn thấp. Nhiều giáo viên công tác trong trường PTDTBT nhưng chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm, chưa được tính định mức giờ dạy dành cho trường PTDTBT. Đặc biệt là các trường phổ thông có học sinh bán trú, định mức khoán cho nhân viên nấu ăn còn thấp so với nhu cầu công việc, gây khó khăn cho các trường trong việc hợp đồng nhân viên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động Trường PTDTBT trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2010 - 2022, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Mô hình trường PTDTBT ở Nghệ An hoạt động hiệu quả, phù hợp với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đối với Nghệ An, địa phương lớn, dân số đông, nhiều xã,, thôn , bản đặc biệt khó khăn. Để giảm bớt khó khăn cho các trường PTDTBT, Nghệ An cần nghiên cứu tăng chỉ tiêu giáo viên cho các trường theo quy định của trường chuyên biệt. Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu trình HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết về nội dung và mức chi hỗ trợ các trường PTDTBT kiểu mới, từ đó triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục các huyện núi cao góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Xem xét cho thí điểm mô hình trường PTBT kiểu mới tại các huyện như Quỳ Châu, Con Cuông.
Cùng với việc tiên phong đi đầu trong thực hiện mô hình Trường bán trú hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Tại kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2022 - 2023, đoàn học sinh giỏi Nghệ An tiếp tục giành được kết quả nổi bật, đạt 87 giải, trong đó có: 7 giải nhất, 32 giải nhì, 30 giải ba, và 18 giải khuyến khích.. Với kết quả này, Đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của Nghệ An đứng thứ hai toàn quốc (sau Hà Nội) và đứng thứ ba về số lượng giải nhất.