Thiếu máu não liệu có nguy hiểm? Ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Sức khỏe 01/02/2024 11:18
Ban đầu, thiếu máu não mức độ nhẹ chỉ gây đau đầu, mất ngủ, ù tai, chóng mặt… Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ thiếu máu não tăng nặng, trở thành dấu hiệu cảnh báo đột qụy nhồi máu não, nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy hiểm tính mạng…
Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu thông máu lên não, gây thiếu hụt lượng oxy và dưỡng chất nuôi não, từ đó làm ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng hoạt động của một hoặc nhiều vùng não. Do vậy, khi bị thiếu máu lên não, các tế bào não có nguy cơ không thể duy trì chức năng hoạt động như bình thường. Thiếu máu lên não càng nghiêm trọng thì mức độ tổn thương não càng lớn.
Một số triệu chứng thiếu máu não phổ biến, bao gồm:
Đau đầu: Khi bị thiếu máu não, người bệnh có thể gặp triệu chứng đau khắp đầu, có cảm giác căng thẳng bên trong đầu.
Chóng mặt và buồn nôn: Đây là triệu chứng phổ biến của thiếu máu não. Người bệnh thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn khi đột ngột đổi tư thế. Triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện vài phút hoặc kéo dài đến vài giờ tùy vào từng tình trạng bệnh.
Rối loạn giấc ngủ: Người bị thiếu máu lên não thường gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, thức giấc giữa đêm hoặc cả đêm khó ngủ ngon khiến cơ thể mệt mỏi, dễ cáu gắt vào ngày hôm sau.
Ù tai, tầm nhìn kém: Những mảng xơ vữa mạch máu có thể làm giảm lưu lượng máu đến những cơ quan như cơ điều tiết mắt, tiền đình ốc tai… gây ù tai, mờ mắt.
Rối loạn cảm giác: Thiếu máu dẫn đến vùng não có chức năng kiểm soát cảm giác của cơ thể có thể gây rối loạn cảm giác. Các triệu chứng rối loạn cảm giác điển hình như tê, buốt, đau, châm chích… ở khắp nơi trên cơ thể.
Suy giảm trí nhớ: Người bệnh thiếu máu não dễ bị suy giảm khả năng ghi nhớ thông tin, mất khả năng tập trung và chú ý. Hiệu quả học tập, làm việc giảm sút đáng kể.
Nguyên nhân gây thiếu máu não có thể rất đa dạng, ví dụ do bệnh tim mạch, rung nhĩ, thiếu máu, tuần hoàn máu kém, chít hẹp mạch máu, cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu…
Thiếu máu não có nguy hiểm không?
Ở mức độ nhẹ, thiếu máu não gây ra các triệu chứng và vấn đề sức khỏe liên quan như nói ở trên. Ở mức độ nặng, ví dụ cục máu đông đủ lớn gây tắc nghẽn mạch máu lên não, tình trạng thiếu máu não sẽ dẫn đến đột quỵ nhồi máu não, gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Theo WHO, thiếu máu lên não dẫn đến đột quỵ là bệnh lí có tỉ lệ tử vong cao thứ 3, chỉ xếp sau ung thư và bệnh tim mạch. Thiếu oxy và dưỡng chất nuôi não rất nguy hiểm vì não bộ cần tiêu thụ đến 20% lượng dưỡng khí từ cơ thể. Chỉ khoảng 10 giây không nhận được lưu lượng máu cần thiết, các mô não bắt đầu rơi vào hiện tượng rối loạn. Kéo dài tình trạng này trong vài phút có thể khiến tế bào não chết hàng loạt.
Ảnh hưởng của thiếu máu não đến sức khỏe như thế nào?
Ban đầu, người bị thiếu máu não có thể chỉ cảm nhận được những triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ… ở mức độ nhẹ, dễ gây chủ quan hoặc nhầm lẫn với tình trạng bệnh lí khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu máu não tăng nặng, hậu quả ảnh hưởng sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn.
Điển hình là khi cục máu đông hình thành trong động mạch gây chít hẹp lòng mạch bất ngờ, dẫn đến hiện tượng thiếu máu não đột ngột. Tình trạng này có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ nhồi máu não, khiến người bệnh tử vong trong gang tấc nếu không được can thiệp, cấp cứu kịp thời. Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ và trong đó có 50% trường hợp tử vong. Người bệnh đột qụy may mắn sống sót có thể phải sống chung với nhiều di chứng nặng nề như yếu liệt một phần hoặc toàn thân, mất khả năng ngôn ngữ, ghi nhớ…
Sự nguy hiểm của thiếu máu não được đánh giá dựa trên mức độ ảnh hưởng của bệnh, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Do đó, để giải tỏa nỗi lo lắng thiếu máu lên não có nguy hiểm không, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời khi cơ thể có các biểu hiện nghi ngờ của bệnh.
Bị thiếu máu não phải làm sao?
Thiếu máu não là tình trạng nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy bản thân có các triệu chứng của thiếu máu não, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt. Đây là cách hiệu quả để chủ động bảo vệ sức khỏe khỏi những biến chứng nguy hiểm của chứng thiếu máu lên não.
Sau khi có đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh và xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị bằng các phương pháp phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân, người bệnh có thể được cho dùng thuốc, đặt stent hoặc phẫu thuật (cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh, tái tạo mạch máu não, can thiệp nội mạch)… Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ và kết hợp với chế độ ăn uống hợp lí, lối sống khoa học để gia tăng hiệu quả chữa trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng bất kì loại thuốc điều trị nào khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Cách phòng ngừa thiếu máu não
Thiếu máu não là tình trạng nguy hiểm, có ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe mỗi người tự phòng ngừa thiếu máu não xảy ra.
Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học: Duy trì vận động, tập luyện thể dục thể thao tối thiểu 30 phút/ngày, tần suất khoảng 3 lần/tuần với cường độ phù hợp. Ngủ đủ giấc, không gối đầu quá cao khi nằm, không hút thuốc lá, hạn chế/tránh dùng các loại thực phẩm có thể gây mất ngủ như cà phê, trà, bia, rượu…
Chế độ dinh dưỡng khoa học: Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên rau củ quả, các loại thực phẩm giàu nitrat, omega-3, polyphenols, sắt, kẽm… Hạn chế dùng thực phẩm chứa chất bảo quản, nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp… Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ blueberry và ginkgo biloba có thể giúp tăng cường tưới máu não, phòng tránh hoặc cải thiện tuần hoàn máu lên não.
Khám sức khỏe và tầm soát đột qụy định kì: Thăm khám sức khỏe tổng quát định kì 6 tháng/lần là cách giúp bảo vệ bản thân khỏi những bệnh lí tiềm ẩn trong cơ thể. Bên cạnh đó, mọi người có thể chủ động tầm soát đột qụy để có thể sớm phát hiện những cơn thiếu máu não đang tiềm ẩn. Từ đó, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế nguy cơ đột qụy.
TS.BS Lê Văn Tuấn
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM