Tháo gỡ khó khăn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Kinh tế 05/03/2020 08:34
Nhờ tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng cho rằng, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng. Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho Nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.
Đến nay, chúng ta chỉ có 16 ca mắc; đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người; 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Dịch ở Việt Nam không bị lan tràn, ít ảnh hưởng nhất, mặc dù chúng ta có biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang Nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, lan rộng tới 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người mắc tăng nhanh, được WHO đánh giá ở mức rất cao… Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra”.
Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, do dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỉ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỉ USD. Tâm lí bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.
Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất Về tình hình tháng 2, Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhưng cơ bản giữ ổn định. Xuất khẩu vẫn tăng, ước đạt 36,9 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kì. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng kí tiếp tục đạt mức cao so với cùng kì. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.
Tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kì, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề cần những giải pháp tháo gỡ.
Hai tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, khoảng 7,38%, còn 6 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch.
Theo Thủ tướng, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn.