Tháng hành động vì NCT Việt Nam 2020: Tạo điểm nhấn chăm sóc và phát huy vai trò NCT
TW hội 03/06/2020 14:50
Tham dự Hội nghị, đại diện các Bộ ngành thành viên như Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Văn phòng, các Ban chuyên môn của Hội NCT Việt Nam... đều phát biểu thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện năm 2019 và kiến nghị các giải pháp triển khai hiệu quả "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" năm 2020.
Tạp chí Người cao tuổi trích đăng một số ý kiến của đại biểu dự Hội nghị.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch UBQG về NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam:
UBQG về NCT Việt Nam và Ban Chỉ đạo đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, đoàn thể thành viên, các địa phương đã phối hợp thực hiện hiệu quả "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" năm 2019, tạo dấu ấn sâu sắc trong xã hội. Thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành; đặc biệt, các bộ ngành thành viên, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc phối hợp với Hội NCT cùng cấp triển khai nghiêm túc văn bản chỉ đạo của UBQG, căn cứ 5 nội dung công việc cụ thể: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về NCT, nâng cao vai trò, vị thế NCT; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tạo phong trào sôi động, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; vận động nguồn lực chăm lo cho NCT, nhất là NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho NCT; hội nghị biểu dương cán bộ Hội tiêu biểu các cấp tiến tới hội nghị toàn quốc vào tháng 10 và hội thảo Chương trình Hành động Quốc gia về NCT tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam:
Đã bước sang năm thứ 6 thực hiện "Tháng hành động vì NCT Việt Nam". Những hoạt động trong "Tháng hành động" 5 năm qua đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho NCT; ngoài chính sách của Chính phủ và các địa phương, hàng triệu NCT được hưởng lợi từ nguồn huy động xã hội hóa; được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe, chia sẻ khó khăn…; góp phần đáng kể bảo đảm an sinh xã hội. Ban Chỉ đạo cũng cần nghiên cứu, xem xét để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai; rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam:
Việc lựa chọn chủ đề "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" năm nay được cân nhắc và lựa chọn kĩ lưỡng, nhằm khích lệ, động viên toàn xã hội chăm lo cho NCT, đồng thời tạo điều kiện để NCT được chăm sóc tốt hơn và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh... Cũng như mọi năm, năm nay, đợt cao điểm "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" tổ chức vào tháng 10, với điểm nhấn là Hội nghị biểu dương cán bộ Hội tiêu biểu toàn quốc. Các hoạt động triển khai đan xen, rất phong phú, đa dạng nên cần sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH):
Những kết quả "Tháng hành động vì NCT" Việt Nam năm 2019 đã khẳng định công tác truyền thông được nâng lên một bước; nhận thức xã hội về trách nhiệm chăm sóc, phát huy vai trò NCT của xã hội cũng nâng cao. Tôi được chứng kiến sự xúc động, niềm hạnh phúc của NCT nghèo sau khi mổ mắt thay thủy tinh thể miễn phí đem lại ánh sáng, được chăm sóc sức khỏe và tặng quà hỗ trợ vượt qua khó khăn. Nhân "Tháng hành động" năm nay, Hội NCT các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, đề nghị chính quyền thực hiện trợ cấp xã hội đối với NCT theo quy định, bảo đảm không NCT bị thiệt thòi. Đồng thời, kiến nghị địa phương trích Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT mua bảo hiểm y tế cho NCT. Với tư cách Cơ quan Thường trực của UBQG về NCT Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã có kế hoạch và mời các thành viên Ủy ban chủ trì các đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho NCT tại một số tỉnh, thành phố.
Ông Đặng Minh Tiến, Trưởng ban Công tác Xã hội (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam):
Trong các đối tượng quan tâm của Hội Chữ thập đỏ, NCT chiếm từ 70 đến trên 80%. Ở 350 phiên chợ nhân đạo tổ chức tại 59 tỉnh, thành phố, Hội đã cấp phiếu mua hàng miễn phí cho 110.000 người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trong đó 70% là NCT. Trên 70% số NCT được khám chữa bệnh thông qua các chương trình từ thiện của Hội Chữ thập đỏ. 60% số NCT nằm trong danh sách được tặng nhà tình nghĩa. Chương trình hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Hội cũng dành chế độ ưu tiên cho NCT từ 65 tuổi trở lên. Nhân dịp Tết vì người nghèo 2020, lãnh đạo Hội tháp tùng 47 đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm tặng 2,67 triệu suất quà cho các đối tượng khó khăn, trong đó có 700 nghìn NCT.
Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế):
Thực hiện chương trình phối hợp, Bộ Y tế đã triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe NCT và hiện đang kiện toàn, thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Hằng năm, đều tổ chức các đoàn y bác sĩ một số bệnh viện tham gia khám tư vấn, chữa bệnh cho NCT, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Bộ phối hợp với Hội NCT Việt Nam phát hành sách hướng dẫn các cơ sở y tế, người thân và bản thân NCT chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại nhà và các cơ sở y tế. Bộ cũng đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án khám sức khỏe từ xa, tạo điều kiện thuận lợi để NCT và các đối tượng yếu thế được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn.
Ông Phạm Quốc Nhật, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Sự gắn kết các thành viên trong gia đình tạo điều kiện để nâng cao vai trò, trách nhiệm của con cháu trong chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, thể hiện nét đẹp văn hóa và đạo lí "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Nhà nước cần xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ thế hệ trẻ như nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế… để họ có điều kiện gần gũi chăm lo cho NCT. Khi tuổi cao thì việc tiếp cận các dịch vụ y tế cũng khó khăn hơn, vì vậy, cần phát huy vai trò của những y bác sĩ, điều dưỡng viên nghỉ hưu chăm sóc sức khỏe cộng đồng và NCT, góp phần giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế. Một thực tế hiện nay là các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, các nhà văn hóa thôn bản, khu dân cư hầu như rất ít hoạt động. Cần tranh thủ điểm này tạo thành nơi sinh hoạt CLB, văn hóa, thể thao, tạo sân chơi bổ ích cho NCT. Trong xã hội hiện đại, NCT cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bạo hành, nhất là việc bạo hành xảy ra trong chính ngôi nhà của mình, do chính con cháu, người thân của NCT gây ra. Hội và các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm không chỉ chăm sóc, phát huy mà còn bảo vệ NCT để tránh xung đột gia đình, bị bạo hành cả sức khỏe và tinh thần.
Ông Phạm Văn Ngọc, Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT TP Hà Nội:
Hội NCT thành phố đang gửi văn bản lấy ý kiến các sở thành viên về kế hoạch triển khai "Tháng hành động vì NCT Việt Nam". Hằng năm, các cấp Hội Hà Nội vận động hơn chục tỉ đồng hỗ trợ NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí của NCT diễn ra sôi động, tạo điều kiện để con cháu gần gũi, chia sẻ, chăm lo, phụng dưỡng NCT. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông còn hạn chế; một số sở ngành thành viên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, hiệu quả phối hợp chưa cao. TƯ Hội cũng cần nghiên cứu, chọn nội dung thiết thực, có trọng tâm để triển khai, tạo ấn tượng trong đợt cao điểm.
Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Trưởng ban Chăm sóc NCT TƯ Hội, Ủy viên Thường trực "Tháng hành động vì NCT Việt Nam":
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" năm nay chậm hơn những năm trước. Vì vậy, các bộ ban ngành, UBND các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai theo hệ thống ngành dọc. Ở Trung ương và các địa phương cần lựa chọn nội dung, địa điểm tổ chức sự kiện tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, huy động nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe và phát huy vai trò NCT…
Ông Lê Quang, Tổng Biên tập Tạp chí Người cao tuổi:
Cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về "Tháng hành động vì NCT Việt Nam", góp phần nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về già hóa dân số, NCT; trách nhiệm chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Không chỉ tuyên truyền bởi các cơ quan truyền thông của Hội, báo chí các bộ ngành, đoàn thể; Ban Chỉ đạo cần có văn bản gửi Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo chí triển khai trên diện rộng, nội dung tuyên truyền phù hợp, nhất là trong những đợt cao điểm, các hoạt động lớn của Hội và NCT. Thực hiện chỉ đạo của UBQG về NCT và chỉ đạo của TƯ Hội, Tạp chí Người cao tuổi đang tổ chức sâu rộng đến hội viên và NCT cuộc thi "Sống khỏe - Sống đẹp" lần thứ ba và tiếp tục phối hợp tổ chức các giải Cờ tướng trung cao tuổi toàn quốc hằng năm.