Test nhanh thế nào để chính xác kết quả khi nhiễm Omicron “tàng hình”?
Y tế 12/03/2022 17:11
BA.2 đang chiếm ưu thế tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được gọi là "Omicron tàng hình". Ảnh: Bộ Y tế |
Vì sao gọi là Omicron "tàng hình"?
Mới đây Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen ngẫu nhiên. Trong đó có một kết luận rất đáng chú ý đó là 80% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen nhiễm biến thể Omicron, chủ yếu biến thể "tàng hình" BA.2.
Còn tại TPHCM, qua xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc COVID-19, ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Qua giải mã trình tự gen 67 mẫu, ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1 và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác.
Theo bác sĩ Cấp, hiện nay cũng chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm PCR.
Thông thường, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene.
Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gán tên là "Omicron tàng hình".
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho rằng gọi "tàng hình" do chủng phụ này không chứa đột biến đặc trưng của Omicron khi xét nghiệm bằng PCR, dễ nhầm nó là chủng Delta, đến khi giải trình tự gene virus thì mới biết là Omicron.
Chuyên gia cho rằng kết quả xét nghiệm âm tính giả không phải do virus lẩn tránh test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác. Thứ nhất, chủng BA.1 cũng như chủng phụ BA.2 có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã xâm nhập vào cơ thể nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó một vài ngày đầu phơi nhiễm có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh.
Thứ hai, kết quả xét nghiệm nhanh phụ thuộc cách lấy mẫu, thời gian đọc mẫu. Nếu thực hiện sai thao tác lấy mẫu sẽ cho kết quả sai lệch. Các chuyên gia khuyên khi test nhanh, nên đợi sau 15 hoặc 30 phút (tùy theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất kit), nếu đọc kết quả quá sớm có thể âm tính giả.
Thứ ba, chất lượng các loại kit test không đồng đều với độ nhạy và độ đặc hiệu. Kit giả, nhái, kém chất lượng có thể đem lại kết quả không chính xác. Ngoài ra, những ngày đầu phát hiện bệnh, nồng độ virus trong cơ thể còn quá thấp, test nhanh có thể khó phát hiện virus hơn PCR.
Cách test nhanh có kết quả chính xác với Omicron "tàng hình"
Với chủng "Omicron tàng hình", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho hay, khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. Tuy biến chủng này lây lan nhanh hơn, xét nghiệm khó tìm ra hơn nên các nhà khoa học đặt cho cái tên là "tàng hình", nhưng không có giá trị hay bằng chứng về mặt bệnh lý.
Nếu người dân nghi ngờ mắc COVID-19 nhưng khi xét nghiệm lại âm tính, ông Khanh cho rằng một số loại kit test nhanh đời cũ, có thể ít nhạy với biến chủng Omicron dẫn đến "âm tính giả".
Để test nhanh có kết quả chính xác, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mua kit thuộc danh mục do Bộ Y tế cấp phép. Tránh để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào kit test, không dùng hàng hết hạn sử dụng. Kiểm tra để đảm bảo rằng dụng cụ cho xét nghiệm và gói hút ẩm không bị hỏng hoặc không hợp lệ. Thực hiện lấy mẫu và test chính xác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả test sai. Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả khác nhau trong 15-30 phút. Không đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định.
Kết quả âm tính là khi xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ). Dương tính là xuất hiện cả vạch chứng C và vạch T. Nếu cả vạch chứng C và T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch T thì kết quả không có giá trị. Vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc thanh thử bị hỏng, phải thực hiện lại với kit mới hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn.
Sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng test nhanh, thuốc điều trị COVID-19; cảnh báo F0 tự ý dùng Corticoid điều trị tại nhà Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để ... |
Lực lượng Hải quan bắt giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng ... |