Tập huấn về công tác phòng, chống ma túy trong Ngành giáo dục năm học 2021 – 2022
Giáo dục 22/03/2022 07:41
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, giáo viên tại Cao Bằng. Đây là hoạt động được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 2685/KH-UBND ngày 5/10/2021, của UBND tỉnh Cao Bằng về triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; triển khai Quyết định số 633/QĐ-BGDĐT ngày 7/3/2022 của Bộ GD&ĐT Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025.
Bác sĩ Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD trình bày tại hội nghị |
Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí ở các vùng sâu, vùng xa không đồng đều. Đây chính là điều kiện để các loại hình tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy vẫn rất tinh vi, xảo quyệt, chúng tìm nhiều cách thức, thủ đoạn để qua mặt các lực lượng chức năng, sử dụng các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, mạng xã hội để liên lạc, giao dịch và luôn có sự đề phòng, cảnh giác cao, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, hung khí để chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Do đó, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh còn có nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Phong, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Cao Bằng, cho biết: “Hiểm họa từ ma túy luôn là một vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội, đặc biệt là đối với môi trường học đường. Bởi học sinh, sinh viên (HSSV), thế hệ trẻ là những người chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng xã hội để có thể ứng phó với những cám dỗ tiêu cực. Do đó, môi trường học đường là nơi mà các tệ nạn xã hội luôn rình rập, gây ra nhiều nguy cơ lớn cho HSSV. Chính vì vậy, phòng, chống ma túy trong trường học luôn là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng đối với ngành GD&ĐT nói chung và cả xã hội nói riêng.”
Tại Hội nghị, dưới sự trình bày của Đại tá, Bác sĩ Tạ Đức Ninh- Phó Viện trưởng Viện PSD và PGS.TS Mai Văn Hưng, Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD, các cán bộ, giáo viên đã được cập nhật kiến thức về tình hình phòng, chống ma túy trong trường học, những kiến thức cơ bản về ma túy, tìm hiểu về bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy”.
PGS.TS Mai Văn Hưng - Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD phát biểu |
Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Cao Bằng luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong trường học. Sở GD&ĐT Cao Bằng đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người, tội phạm giết người và phòng, chống tội phạm ma túy HIV/AIDS, tệ nạn xã hội trong ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng theo từng năm và theo giai đoạn. Tích cực chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, đào tạo tuyên truyền, giáo dục ý thức công dân cho toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên, học viên, học sinh, sinh viên trong việc tham gia phòng, chống các loại tội phạm, cảnh giác với âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch phòng, chống ma túy theo năm học, giai đoạn; thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức ngoại khóa, tuyên tuyền, lồng ghép, tích hợp các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các môn học có liên quan. Thông qua các hoạt động sinh hoạt và ngoại khóa tập thể nâng cao nhận thức và hiểu biết của HSSV về tác hại của ma túy; Trang bị kĩ năng phòng, chống ma túy cho HSSV. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được thực hiện phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với tâm sinh lí lữa tuổi cả từng cấp học.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, trong năm 2021, trong ngành giáo dục đào tạo không có trường hợp tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự phát triển của mạng xã hội và sự phức tạp của các loại hình tội phạm ma túy, nguy cơ về ma túy vẫn luôn tiềm ẩn trong và ngoài nhà trường, đòi hỏi các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục phải thường xuyên đề cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa để giữ gìn môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong các nhà trường.
Chương trình tập huấn mang ý nghĩa thiết thực trong việc giúp cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục.