Tại sao cần đo huyết áp trước tiêm vaccine Covid-19?
Sức khỏe 08/09/2021 12:03
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết Hội đồng chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng của Bộ Y tế đã trao đổi và thảo luận rất kĩ là cần đo huyết áp trong khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19. Lí do là đo huyết áp giúp đánh giá tình trạng huyết động (lưu thông máu) của người đến tiêm vaccine xem có ổn định hay không, nhận biết người đó có huyết áp bình thường (từ 90/60 mmHg đến 120/90 mmHg), hoặc có bệnh nền tăng huyết áp hay huyết áp thấp.
Chỉ số huyết áp đo trước khi tiêm là căn cứ để so sánh và đánh giá dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng. Theo quy định, mỗi người sau tiêm vaccine sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, khi có dấu hiệu bất thường sẽ được đo lại huyết áp và so sánh với trị số huyết áp trước khi tiêm. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá người đó có bị phản ứng phản vệ (khi huyết áp giảm < 90/60 mmHg hoặc huyết áp tối đa giảm > 30 mmHg so với trị số huyết áp trước khi tiêm), hay lên cơn tăng huyết áp (khi huyết áp tối đa tăng > 30 mmHg so với trị số huyết áp trước khi tiêm).
Ví dụ, một người có huyết áp trước khi tiêm là 140/90 mmHg, là mức huyết áp hằng ngày của người này. Ngay sau khi tiêm vaccine, người này cảm thấy khó chịu, chóng mặt, tê bì quanh môi, huyết áp chỉ còn 100/60 mmHg, tức là đã tụt 40 mmHg so với huyết áp trước tiêm, có thể chẩn đoán người đó bị sốc phản vệ.
“Mức huyết áp 100/60 mmHg sau tiêm có thể là bình thường với nhiều người, song với người tăng huyết áp thì đã bị tụt huyết áp (sốc phản vệ) và cần được xử lí cấp cứu ngay lập tức”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.
Vì vậy, đo huyết áp giúp bác sĩ khám sàng lọc phát hiện những người có huyết áp bất thường để tư vấn và tiên lượng như: Người có bệnh nền cao huyết áp thì cần thận trọng với cơn nhịp nhanh, cơn tăng huyết áp sau tiêm; người có cơ địa huyết áp thấp cần lưu ý phân biệt với phản ứng phản vệ, tụt huyết áp sau tiêm.
Bệnh nhân tăng huyết áp, thuộc nhóm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng khi mắc Covid-19, cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột qụy, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết, hiện không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường. Người bệnh cần theo dõi huyết áp, bởi khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vaccine) tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch hoặc đột qụy.
Lưu ý, trong thời gian tiêm chủng, kể cả trước và sau tiêm, người bệnh vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được dừng thuốc và nên tiêm chủng theo dõi tại bệnh viện.
Theo các bác sĩ, đo huyết áp không mất nhiều thời gian, có thể sử dụng huyết áp điện tử để đo và không làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu được tổ chức và tuân thủ tốt nguyên tắc 5K trong thực hành tiêm chủng. Mọi người nên tuân thủ hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng của Bộ Y tế và luôn bảo đảm 5K bao gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế.
Trường hợp lo lắng khi đi tiêm, bác sĩ khuyến cáo nên tập cách làm chủ tâm lí, không sợ hãi hoặc đi tiêm vaccine cùng người thân, bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành.
Cần tập luyện thể dục thể thao điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lí, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn, kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể để hạn chế béo phì, tiểu đường, từ đó giúp huyết áp ổn định, cơ thể thoải mái hơn và đi tiêm đúng lịch.