Tái phong tỏa, liệu Philippines có “sửa sai” thành công?
Câu chuyện quốc tế 08/08/2020 09:55
Sau khi nới lỏng một trong số lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài nhất thế giới hôm 1/6, Philippines một lần nữa "đóng cửa" thủ đô và 4 vùng lân cận để ngăn Covid-19.
Lệnh tái phong tỏa hai tuần được Tổng thống Rodrigo Duterte thông báo đêm 2/8 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 4/8, giữa lúc quốc gia này báo cáo số ca nhiễm nCoV tăng vọt và nhiều nhân viên y tế cảnh báo hệ thống của nước này có thể sụp đổ vì quá tải.
Theo quy định mới, người dân thủ đô và 4 tỉnh lân cận sẽ phải tự cách li ở nhà, nhà hàng và trung tâm thương mại được duy trì dịch vụ bán mang đi hoặc giao hàng tại nhà, trong khi hiệu cắt tóc và phòng gym phải đóng cửa.
Chính phủ Philippines trước đó chần chừ tái phong tỏa sớm hơn và chỉ hành động khi đối mặt áp lực chính trị lớn.
Xe bọc thép của cảnh sát tuần tra để thực thi lệnh tái phong tỏa tại Navotas, Thủ đô Manila, hôm 17/7. Ảnh Reuters |
Giới phê bình đánh giá động thái "sửa sai" của chính phủ khá muộn màng, bởi tình hình đã xấu đi nghiêm trọng. Philippines báo cáo hơn 112.000 người nhiễm, trong đó ngày 4/8 ghi nhận số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á với 6.352 người. Đến ngày 6/8, nước này ghi nhận thêm hơn 3.500 ca nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 119.460, vượt qua nước láng giềng Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Đại dịch đã khiến hơn 2.150 người ở quốc gia này tử vong.
Trước cảnh báo về nguy cơ hệ thống y tế "gục ngã" vì Covid-19, Tổng thống Duterte biết rằng hành động quyết liệt là cần thiết. Ông đã triển khai cảnh sát chốt chặn các tuyến đường ở thủ đô Manila, cùng với Bulacan, Laguna, Cavite và Rizal, những nơi ghi nhận làn sóng gia tăng ca nhiễm nCoV.
Lệnh phong tỏa mới đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên khắp Thủ đô Manila, vì đây là điều mà nhiều người không nghĩ tới. Người dân vẫn có thể ra ngoài mua đồ thiết yếu và đi làm, nhưng các phương tiện giao thông công cộng và chuyến bay nội địa sẽ ngừng hoạt động để ngăn chặn Covid-19 lan rộng.
Biện pháp hạn chế nghiêm ngặt này sẽ giúp ngăn chặn làn sóng nhiễm mới, nhưng đổi lại Philippines phải đối mặt với nguy cơ mất hàng triệu việc làm. Những người dân Philippines có thu nhập thấp, phải sống dựa vào số tiền kiếm được hằng ngày để duy trì cuộc sống, sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Quan chức chính phủ trước đó từng nhấn mạnh rằng nền kinh tế nước này không thể ứng phó được với lệnh phong tỏa kéo dài, khi chứng kiến mức sụt giảm lớn trong quý đầu năm nay. GDP của Philippines giảm 0,2% trong quý I năm nay, từ mức tăng trưởng 6,7% trong quý IV năm ngoái. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 4 là 17,7%, tương đương 7,3 triệu người. Giới chuyên gia ước tính có thêm hàng triệu người mất việc vì lệnh phong tỏa lần này, gồm cả lao động Philippines từ nước ngoài trở về.
Người dân trông chờ chính phủ đưa ra giải pháp cụ thể để đối phó với tình hình hiện nay, song thực tế chính quyền Duterte vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng, dù đã áp lệnh tái phong tỏa thủ đô.
Thậm chí trong buổi họp báo đêm 2/8, Tổng thống còn gây hoang mang khi khuyến nghị mọi người khử trùng khẩu trang bằng xăng. Ý tưởng này lập tức bị các chuyên gia y tế bác bỏ. Tổng thống Duterte còn cáo buộc lời kêu gọi xây dựng một kế hoạch rõ ràng chống đại dịch của các nhân viên y tế thực chất là "kêu gọi một cuộc cách mạng".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn có một số tín hiệu tích cực cho kế hoạch kiểm soát dịch của Manila, như các trung tâm xét nghiệm đã được thiết lập trên khắp cả nước. Bộ Y tế Philippines đang đàm phán về vaccine ngừa Covid-19 với 4 nhà sản xuất từ Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Tuần trước, Tổng thống Duterte cho biết đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình để Philippines sẽ là khách hàng đầu tiên mua lô vaccine nếu Trung Quốc phát triển thành công.
Thế nhưng giới phê bình cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy ông Duterte thừa nhận thất bại của chính phủ trong việc ngăn chặn Covid-19 và đang đặt hết hi vọng vào vaccine để cứu vãn tình hình.