Sức khỏe não bộ
Sức khỏe 25/06/2020 09:00
Ở phần trước chúng tôi đã chia sẻ về định nghĩa và phân loại Tai biến mạch máu não. Từ phần này, chúng tôi chia sẻ tới quý vị về cơ chế bệnh sinh tai biến mạch máu não…
- Cơ chế bệnh sinh tai biến mạch máu não
3.1. Cơ chế bệnh sinh trong nhồi máu não do xơ vữa mạch máu
3.1.1. Xơ vữa các mạch máu lớn vùng cổ
Nguyên nhân gây tắc mạch não phần lớn là do các mạch máu lớn ở vùng cổ bị xơ vữa. Điều này cực kì quan trọng, vì các mạch máu này nằm ngoài não, dễ can thiệp bằng phẫu thuật.
Nhồi máu não do xơ vữa mạch xảy ra theo 4 bước sau đây:
Mảng xơ vữa thường ở đoạn phân nhánh mạch cảnh, lớp nội mạc mất độ trơn nhẵn, điều này tạo thuận lợi cho các tế bào tiểu cầu bám vào.
Khi các tiểu cầu bám trên mảng xơ vữa bong ra và theo dòng máu di chuyển lên não sẽ nằm lại ở một mạch máu trong não có đường kính nhỏ hơn cục tắc. Do cục máu đông này được hình thành bởi các tế bào tiểu cầu nên dễ tan đi và bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trước 24 giờ. Trường hợp này gọi là Thiếu máu cục bộ thoáng qua (Transient ischemic attack – TIA). Đây là tình trạng báo động vì nếu không điều trị thì đến một thời điểm bất kì sẽ xảy ra tai biến hình thành.
Ngoài tiểu cầu, còn có thêm các tế bào hồng cầu bám vào. Cấu trúc có thêm các sợi tơ huyết nên cục máu đông này có cấu trúc chắc hơn, khi cục máu đông lên não không tan gây thiếu máu cục bộ não hình thành.
Cục máu đông ngày càng to gây lấp kín mạch máu. Từ đây cục máu đông phát triển lên gây lấp cửa của các cuống mạch đi vào não. Cơ chế này gọi là cơ chế ứ đọng.
3.1.2. Mạch cảnh khi hẹp 80% đường kính mới gây triệu chứng lâm sàng do cơ chế rối loạn huyết động, tình huống này hiếm gặp qua kiểm tra giải phẫu bệnh.
Tắc mạch não chủ yếu do cục máu bong ra di chuyển lên não, cơ chế này là “mạch đến mạch” (from artery to artery) hay “huyết khối tắc” (thrombo embolic).
3.1.3. Tuần hoàn bàng hệ
Tai biến có xảy ra hay không còn tùy thuộc vào hoạt động của hệ tuần hoàn bàng hệ (tưới màu bù), nhất là bàng hệ đa giác Willis cho phép máu chảy từ chiều này sang chiều khác. Khi động mạch cảnh một bên bị tắc, vùng thiếu máu sẽ được tưới máu bù bởi mạch cảnh bên kia qua động mạch thông trước và hệ sống nền qua động mạch thông sau.
Đa giác Willis có hình dạng khác nhau giữa người này với người kia, nhưng khi cần các nhánh đều giãn to tối đa để máu dễ lưu thông làm nhiệm vụ tưới máu bù cho phần bị thiếu. Dòng máu bên trái thông với bên phải, dòng máu nuôi dưỡng đại não thông mới dòng máu nuôi dưỡng tiểu não và thân não, động mạch cảnh trong thông với động mạch cảnh ngoài.
Lúc bình thường, tuy các mạch máu thông với nhau nhưng máu không chảy lẫn lộn sang khu vực khác. Khi tai biến xảy ra do chênh lệch áp lực, bên lành có áp lực cao hơn sẽ đẩy máu sang bên bị tắc có áp lực thấp hơn, để tưới bù cho bên này.
3.1.4. Lưu lượng máu não
Lưu lượng máu não không thay đổi theo lưu lượng máu tim với điều kiện huyết áp trung bình > 60mmHg và < 150mmHg. Tuy nhiên, lưu lượng máu não lại phụ thuộc vào sức cản thành mạch.
Công thức tính huyết áp trung bình và lưu lượng máu não như sau:
HATB = (2 x HATTr + HATT)/3. Trong đó: HATB: Là huyết áp trung bình; HATTr: Là huyết áp tâm trương; HATT: là huyết áp tâm thu.
LLMN = HATB/SCTM. Trong đó LLMN: Là lưu lượng máu não; HATB: Là huyết áp trung bình; SCTM: Là sức cản thành mạch
Nhờ cơ chế tự điều hòa gọi là hiệu ứng Bayliss giúp cho lưu lượng máu não không thay đổi. Khi tim co bóp mạnh đẩy nhiều máu lên não thì các mạch máu nhỏ của não tự co lại để hạn chế máu lên não. Còn khi tim đập yếu, máu lên não ít thì các mạch máu nhỏ lại tự giãn ra để chứa nhiều máu hơn. Nhờ vậy, ở người có huyết áp bình thường thì lưu lượng máu luôn giữ mức cố định, bảo đảm sự cung cấp máu cho não với lưu lượng là 55ml/100gr não/ 1 phút.
Sở dĩ có điều này là nhờ cơ chế vận mạch. Còn với những bệnh nhân tăng huyết áp và xơ vữa mạch, thành mạch thoái hóa, xơ cứng, tăng sức cản thì nguy cơ xảy ra tai biến tăng từ 7 - 10 lần so với bình thường.
3.1.5. Hai hệ thống tuần hoàn não, hệ ngoại vi và hệ trung ương
Các mạch máu não đều chia thành hai nhánh, bao gồm:
Một nhánh đi ra ngoài vỏ não rồi chia đôi liên tục hình thành một mạng lưới mạch tưới máu cho lớp áo khoác vỏ não gọi là hệ tuần hoàn ngoại vi. Mỗi lần chia đôi đồng nghĩa với áp lực tại chỗ được hạ thấp. Như vậy, hệ thống tuần hoàn ngoại biên luôn có một áp lực tưới máu thấp, hậu quả là nếu vì một lí do nào đó khiến cho huyết áp thấp dưới ngưỡng điều hòa sẽ gây thiếu máu cục bộ vùng chất trắng dưới vỏ, nơi nghèo máu vì là vùng tiếp giáp tận cùng giữa hai hệ tưới máu ngoại vi - trung tâm.
Một nhánh đi vào trung tâm não chia ra các mạch xuyên tưới máu cho vùng nhân xám trung ương gọi là hệ tuần hoàn trung tâm. Các mạch máu xuyên này là các mạch tận, không phân nhánh và không có tuần hoàn bàng hệ vì vậy luôn có một chế độ áp lực cao. Nếu vì lí do nào đó huyết áp hệ thống cao đột xuất, các mạch xuyên này vốn có áp lực cao rồi lại cao hơn nữa sẽ khiến cho thành mạch không chịu được và vỡ mạch gây chảy máu, đặc biệt là ở bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và xơ vữa mạch. Trong số các mạch xuyên có một mạch dễ bị thoái hóa thành mạch do tăng huyết áp và xơ vữa, dễ bị vỡ đó là động mạch bèo vân hay còn được gọi với tên “động mạch của chảy máu não Charcot”…