Sọt rác ông Túc
Tuổi cao gương sáng 06/07/2018 17:27
“Gai mắt” mà làm
Mỗi ngày đi trên con phố, trong hẻm nhỏ gần nhà, thấy cảnh người dân cứ để túi rác bên lề đường, gốc cây. Quan sát thì thấy thùng rác công cộng có nhưng ít, khoảng cách của mỗi thùng rác cũng hơi xa, vì vậy người dân ngại đi, mà cứ tiện đâu thả đó. Làm thế nào để rác không bị gió thổi bay, xe đè, chó tha lôi, mưa trôi, người đi bộ đá phải. Ông Túc đã nghĩ ngợi về rác và muốn bắt tay vào làm một việc có ích cho cộng đồng. Vốn là công nhân may bao nệm, cùng sự “khéo léo” của công việc mình đã làm, ông bắt tay đan sọt đựng rác bằng nguyên liệu tận dụng.
Nghĩ là làm, ông Túc thấy dây bẹ dùng để đóng gói các loại gạch men là vật liệu khó phân hủy, lại không được thu mua để chế biến lại, đốt đi thì ô nhiễm môi trường. Ông tìm cách tạo ra một sản phẩm từ vật liệu gần như bỏ đi này.
Ông tìm đến các cơ sở sản xuất, công ty gạch men để nhặt lại những sợi dây ni lông sau khi người ta chuyển hàng. Lâu dần, ông Túc nhận được sự giúp đỡ của những người kiểm kho và chuyển hàng, họ giữ dây lại tặng ông. Có dây, ông bắt đầu đan giỏ. Sản phẩm của ông rất bền, dây bẹ vấn khung thép B40 để cố định hai đầu giỏ, vừa đẹp mắt, vừa nổi bật.
Ông Túc đan giỏ rác bằng dây ni lông.
Mỗi ngày, ông Túc đan được từ ba đến năm cái giỏ. Sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và thạo nghề. Không chỉ bán để trang trải cuộc sống, ông còn đem thành quả của mình đặt ở các ngã ba, ngã tư, các khu vực không có thùng rác. Ông để đó cho mọi người bỏ rác, không đòi hỏi tiền bạc hay công lao gì cả. Ai muốn dùng nhưng không có tiền thì ông biếu. Khi được hỏi vì sao lại làm như vậy ông Túc chỉ cười chân thật: “Mới đầu nhiều người nói tôi rảnh rỗi, đi làm việc không đâu. Nhưng sau khi nhìn thấy cái giỏ đẹp và tiện nên hỏi mua. Đan cái này phải chịu khó, không vội được đâu”. Ngoài việc đan giỏ rác, ông Túc còn nhận đan các sản phẩm thủ công khác bằng dây bẹ để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
Điều tốt lành lan tỏa
Chạy dọc đường Hà Mục và những con đường lân cận, chiếc sọt rác mang “thương hiệu” ông Túc xuất hiện khắp nơi. Trước mỗi căn nhà không còn là thùng xốp hay thùng nhựa nữa mà được thay thế bằng chiếc sọt rác thân thiện với môi trường. Người dân không còn phải đi vứt rác xa hay chịu ảnh hưởng của mùi hôi khi dùng thùng đựng rác bị ứ đọng nước, mục rữa.
Ông Đoàn Lê, ngụ đường Hà Mục, chia sẻ: “Trước kia, rác phải bỏ thành từng túi nhỏ, để trước nhà rất bẩn. Có sọt rác làm bằng dây bẹ này rồi thì việc gom rác dễ dàng hơn. Nó vừa tiện, vừa đẹp lại gọn gàng, sạch sẽ”. Không những thế, nhận thấy sự hữu ích, tiện lợi và quan trọng hơn hết là bảo vệ môi trường từ những chiếc sọt rác “có một không hai” này, Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đang mở rộng thành mô hình “Người nông dân thiện với môi trường”.
Nói về chuyện sọt rác tự chế của ông Túc, ông Trần Đức Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông cho biết: "Chiếc giỏ bằng dây bẹ của ông Túc có nhiều ưu điểm vì vậy Hội Nông dân phường quyết định nhân rộng mô hình này trong địa bàn phường. Đồng thời chúng tôi cũng đang có những chính sách hỗ trợ để mô hình phát triển lớn hơn, quy củ và chuyên nghiệp hơn”.
Đã một năm trôi qua kể từ ngày ông Túc bắt tay vào làm điều tốt cho phố phường. Những chiếc sọt rác “tự chế” của ông Túc đã được sự khuyến khích, ủng hộ của người dân. Sắp tới, chiếc giỏ rác làm bằng bẹ sẽ nhân rộng trong nhiều hẻm, phố với mục đích gom rác, sạch phố, thoáng đường.
Kim Long