“Sơ suất”… trầm trọng
Bình luận 02/11/2018 08:28
Dư luận cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm cái việc động trời, khi cho rằng, chuyện mua bán dâm của sinh viên ngành sư phạm là bình thường, vi phạm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học? Đây là điều vừa xúc phạm sinh viên của ngành vừa trái pháp luật.
Không phải đến bây giờ các văn bản tầm Quốc gia mới xảy ra sai sót. Mới đây, Bộ Tư pháp “chỉ mặt, vạch tên” 5.639 văn bản trái pháp luật mà các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành. Trong số đó, 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lí, thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Ảnh minh họa. |
Văn bản trái pháp luật ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, trước hết đến hơn 90 triệu người Việt, tiếp đó là trên 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, rộng hơn là các quan hệ đối ngoại của Đảng, nhà nước. Thiệt hại từ những văn bản sai luật vô cùng lớn, không thể đo đếm bằng tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương xây dựng một “Chính phủ minh bạch, kiến tạo”, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và uy tín của Chính phủ. Nhưng đáng tiếc, sau các sai sót “chết người”, các bộ, ban, ngành, địa phương đều lặp lại “điệp khúc” do “sơ suất”…
Vì sao chất lượng văn bản trái pháp luật kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chậm được khắc phục. Dư luận cho rằng, đó là hệ quả của công chức mắc “căn bệnh làng nhàng”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, lại có quá nhiều công chức “Robot”. Để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt sai trái, các cơ quan phải nâng cao hơn nữa năng lực của những chuyên viên. Trước hết, bản thân các chuyên viên, trợ lí phải tự nâng cao kiến thức pháp luật, kiến thức quản lí hành chính nhà nước và lí luận chính trị. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng văn bản nếu không bảo đảm về chất lượng, tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật.
Con số 5.639 văn bản trái pháp luật đang hằng ngày “tàn phá đất nước”, “tàn phá lòng tin” Nhân dân. Nếu thực sự thượng tôn pháp luật, ngành tư pháp cần khẩn trương đưa những người chịu trách nhiệm soạn thảo văn bản trái pháp luật ra xử lí, xem xét kỉ luật, nặng thì truy tố để lấy lại sự công bằng, bình yên cho dân, cho nước./.
Tường Minh