Sẽ dựa vào điều kiên thực tế ở mỗi địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến
Giáo dục 31/08/2021 13:47
Năm học 2021-2022, theo kế hoạch, toàn bộ các bậc học ở Nghệ An sẽ tổ chức học trực tuyến ngay sau ngày khai giảng. Đây là giải pháp được đưa ra khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa được khống chế. Nghệ An sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho các cấp học từ tiểu học đến THPT theo ba khung giờ khác nhau. Trong đó, cấp Tiểu học sẽ dạy từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Riêng trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật có thể học vào các khung giờ khác sau khi có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 12h hàng ngày. Cấp THPT: từ 13 giờ đến 17 giờ và sau 21 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, xung quanh việc dạy học trực tuyến cũng đang có những băn khoăn của một số giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt, hiện nay điều kiện dạy học của các nhà trường và của nhiều phụ huynh ở các vùng miền cũng có sự khác biệt. Để giải đáp những băn khoăn này, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Ngày mới onlaine xung quanh vấn đề này. Qua trao đổi, Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận còn nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến.
Hội nghị sơ kết năm học được Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức bằng hình thức trực tuyến. |
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là phương tiện, thiết bị. Hiện nay, với các huyện miền xuôi trong năm học qua đã hoàn thiện, vừa bổ sung, hiện đã có khoảng 90% học sinh có thể học trực tuyến. Riêng các huyện miền núi, ước tính có 60% học sinh có thể theo học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 12 là phương án tối ưu nhất. Để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn tỉnh, trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS – Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo dục Nghệ An thực hiện tốt dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng. Điều quan trọng trong việc học trực tuyến là phải có máy chủ với băng thông rộng, đảm bảo đường truyền ổn định. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên của Nghệ An địa bàn rộng, số lượng học sinh đông, vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng và đảm bảo đường truyền có chất lượng.
Trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho biết: So với dạy học trực tiếp thì việc dạy học trực tuyến sẽ có nhiều khó khăn, thực tế chỉ hỗ trợ các thầy, cô giáo và nhà trường trong hoàn cảnh chống dịch với những kiến thức ở phần tinh giản và những phần học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên. Những kiến thức cơ bản, cốt lõi, trọng tâm và tiên quyết sẽ triển khai ở trên lớp khi dịch lắng xuống, học sinh đến trường học trực tiếp để đảm bảo chất lượng. Sở cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của từng học sinh và của gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ. Với giáo dục miền núi do có những đặc thù riêng sẽ phối hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Đối với các bản vùng sâu, vùng xa không có dịch, giáo viên phải nhận nhiệm vụ từ tổ trưởng tổ chuyên môn, từ nhà trường về giao việc cho học sinh. Trong bối cảnh hiện nay, có thể sẽ huy động thêm đội ngũ giáo viên mầm non chưa đến trường để hỗ trợ cho các giáo viên tiểu học, THCS để đi lại giữa các điểm trường chuyển phiếu bài tập cho học sinh.
Ảnh minh họa |
Một băn khoăn khác hiện nay của các bậc phụ huynh có con học đầu cấp lớp 1 và lớp 2, các cháu còn nhỏ, cần sự uốn nắn trực tiếp của thầy cô, thao tác trên máy cũng là một vấn đề khó cho các cháu đầu cấp. Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đã giao cho Phòng GD&ĐT thành phố Vinh và một số huyện, thị khác tổ chức các bài giảng mẫu và tạo thành hệ thống học liệu để học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh được tham gia học. trong đó chủ trương triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm. Ngành giáo dục Nghệ An cũng xác định, tại thời điểm này, Việc học không thể nóng vội. Khi dịch đã được khống chế chúng ta có thể tăng tăng thời gian học ở trường, kể cả học ngày hai buổi hoặc học thêm vào thứ bảy, chủ nhật. Đây sẽ là "Thời gian vàng" để bổ sung những lượng kiến thức còn thiếu hụt, phụ huynh cũng không quá lo lắng, vì chúng ta xác định việc dạy và học sẽ làm từng bước, chậm nhưng chắc.
Liên quan đến việc dạy học trực tuyến, ông Thái Văn Thành cũng cho biết: Tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học. Trong thời gian học sinh trực tuyến, các nhà trường lựa chọn các nội dung kiến thức cơ bản theo các mức độ nhận biết, thông hiểu (mức 1, mức 2) để giảng dạy, hướng dẫn học sinh tự học hoàn thành nội dung bài học. Các kỹ năng, mức độ còn lại cao hơn, sẽ tổ chức dạy cho học sinh khi học trực tiếp. Về việc dạy trên hệ thống LMS cũng sẽ triển khai theo từng bậc học khác nhau. Với bậc tiểu học, trước mắt, triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian 1 tháng (từ ngày 6/9/2021 đến ngày 6/10/2021). Từ ngày 07/10/2021 trở đi, việc dạy học trực tuyến phải được triển khai đồng bộ trong tất cả các cơ sở giáo dục trên hệ thống LMS. Đối với cấp THCS và THPT, triển khai trên hệ thống LMS ngay từ đầu năm học, tuần đầu tiên tập trung ôn tập, hệ thống lại các kiến thức đã học. Kiểm tra, rà soát, bổ sung các điều kiện cần thiết đảm bảo tổ chức dạy học đồng bộ trên hệ thống LMS. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải rà soát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, để có phương án hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, không có khả năng tham gia học trực tuyến. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh: Chỉ dạy học trực tuyến những phần tinh giản và những phần tự học. Sẽ dựa vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến.
Nhận xét về việc triển khai học trực tuyến đầu năm học trong bối cảnh đại dịch Coovid 19 đang diễn biến phức tạp. Ông Lê Như Huân, Hiệu trưởng trường THCS xã Thanh Lương nói: Trong bối cảnh dich bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thì việc triển khai phương án dạy học trực tuyến là tối ưu. Còn ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đề xuất: Sở GD&ĐT cần ban hành kế hoạch, kịch bản chi tiết dạy học theo 3 phương án đó là : Dạy học trong trạng thái bình thường. Dạy học khi thực hiện Chỉ thị 15. Dạy học khi thực hiện Chỉ thị 16. Như vậy các địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn để sử dụng phương án dạy hoc tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh.