Trước thông tin Bộ Tài chính đưa vào “tầm ngắm” đối tượng xe ôm, quán cóc vỉa hè… khi rà soát diện thu thuế bỗng dưng tôi nghĩ tới câu thành ngữ trên và giật mình, biết đâu đấy, vào một “ngày đẹp trời” những đối tượng trên lại vinh dự được đưa vào nguồn tiềm năng của “nhà thuế”!
Lái xe ôm, người bán hàng rong, quán cóc… là thành phần lao động vất vả song thu nhập bấp bênh và có thể coi là thấp nhất trong nền kinh tế, gần với đối tượng cận nghèo trong xã hội. Không nhiều người trong đối tượng này có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân kể cả khi chưa giảm trừ gia cảnh.
Những năm qua, liên tục có những loại thuế, phí mới được ngành chức năng đưa ra hoặc tăng mức thu hiện hành như thuế tài sản, xăng dầu, bảo vệ môi trường, gần đây nhất là đề xuất thu phí khí thải… Hầu như lần nào cơ quan trình lấy ý kiến cũng không tìm được sự đồng thuận của dư luận xã hội và các chuyên gia kinh tế, pháp lí. Nguyên nhân của vấn đề này phải chăng ngành thuế chưa có thay đổi tư duy quản lí? Ai cũng biết tăng mức thu, thêm loại thuế, phí mới luôn là cách làm dễ dàng nhất để tăng nguồn thu. Thế nhưng, những chính sách đó sẽ tác động đến những đối tượng nào, lợi hại cho nền kinh tế ra sao, có hợp tình, hợp lí hay không… dường như chưa được cơ quan chức năng quan tâm, đánh giá thấu đáo.
|
Tranh minh họa. CafeF |
Người dân, doanh nghiệp và dư luận luôn thông cảm với ngành thuế khi mà tiến trình hội nhập quốc tế phải cắt giảm nhiều loại thuế xuất nhập khẩu đồng thời bộ máy quản lí nhà nước cồng kềnh chưa thể tinh giản một sớm một chiều. Tuy nhiên, “dư địa” của ngành thuế không phải đã quá chật hẹp, nhất là “dư địa” quản lí nguồn thu hiện hữu. Theo một số chuyên gia, với hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ có đăng kí thuế diện khoán thu cùng hàng trăm nghìn hộ chưa đăng kí thuế, nếu cải tiến, quản lí chặt chẽ việc thu nộp, hạn chế tiêu cực cũng sẽ mang lại một nguồn tăng thu đáng kể. Kế đến là cần có giải pháp quyết liệt với tình trạng nợ thuế triền miên nhiều năm qua. Chỉ tính riêng mấy thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… con số nợ ở mỗi địa phương đã là hàng nghìn tỉ và cả nước đã lên tới hơn 80 nghìn tỉ đồng. Cuối cùng là giải pháp ứng phó với tình trạng chuyển giá, trốn lậu, né thuế của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, kinh doanh bằng công nghệ mới và hoạt động thương mại điện tử. Đây chính là những đàn “cá mập” chứ không phải là “đàn săn sắt” nhỏ nhoi, nếu quản lí tốt sẽ mang về nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế.
Mong ngành thuế không chỉ “soi kĩ” những con “săn sắt”, cần nâng cao năng lực quản lí để mạnh dạn tiếp cận những con “cá mập”!./.
Đinh Hoàng