“Rộng cửa” xuất khẩu nông sản sang thị trường EU
Kinh tế 08/09/2021 07:37
Tỏa sáng xuất khẩu trực tiếp
Theo Bộ Công Thương 7 tháng đầu năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc với tổng trị giá xuất khẩu đạt 22,6 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kì năm trước. Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong tổng trị giá xuất khẩu 28,6 tỉ USD của 7 tháng đầu năm, thị trường EU chiếm thị phần 11%.
Năm 2021, được coi là dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh,... bởi các công ty Việt Nam, sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Thậm chí, việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng/siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu.
Có thể kể tới lô hàng 1 tấn vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Đơn hàng này xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công, tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo Bộ Công Thương đánh giá, hiện thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Chính phủ các nước thành viên EU thúc đẩy mở rộng việc tiêm vắc xin, áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch. Đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này.
Trong báo cáo “Động thái doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 6 tháng đầu năm 2021” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ thực hiện mới đây cho thấy, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của ĐBSCL 6 tháng đầu năm nay đạt 16,78 tỉ USD, tăng 28,17% so với cùng kì. Trong đó, xuất khẩu đạt 10,37 tỉ USD, tăng 22,04% và nhập khẩu đạt 6,4 tỉ USD, tăng 39,55% so với cùng kì.
Xét theo từng địa phương, thì vùng ĐBSCL có 5 địa phương có tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, bao gồm: Long An (6,23 tỉ USD, tăng 30,38%); Tiền Giang (3,02 tỉ USD, tăng 31,59%); Bến Tre (1,181 tỉ USD, tăng 46,86%); Cần Thơ (1,03 tỉ USD, tăng 19,4%) và Đồng Tháp là 1,02 tỉ USD, tăng 47,74% so với cùng kì.
Báo cáo nêu trên cho thấy, Long An và Tiền Giang là hai địa phương có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu vùng ĐBSCL, mà cụ thể 6 tháng đầu năm nay, Long An xuất khẩu đạt 3,4 tỉ USD, tăng 22,53% và Tiền Giang là 1,89 tỉ USD, tăng 30,07% so với cùng kì năm ngoái. Kết quả có được là do thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Long An và Tiền Giang những năm qua cao, nhờ vào lợi thế gần TP Hồ Chí Minh và có hạ tầng khu công nghiệp, giao thông kết nối tốt so với các địa phương còn lại.
Theo đó, luỹ kế tính đến tháng 6/2021, vùng ĐBSCL thu hút được 1.814 dự án còn hiệu lực (chiếm 5,37% số dự án cả nước - 33.787 dự án) với tổng vốn đầu tư là 33,314 tỉ USD chiếm 8,37% tổng vốn FDI cả nước - 397,887 tỉ USD. Trong đó, Long An là tỉnh có số dự án thu hút FDI nhiều nhất vùng với 1.256 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng kí là 12,006 tỉ USD và Tiền Giang xếp thứ hai về số dự án với 129 dự án, có tổng vốn là 2,752 tỉ USD.
Bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu thông thông suốt
Theo các chuyên gia thương mại xuất khẩu, thời gian tới, để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, cần có danh sách các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu; tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đang đôn đốc Công ty MCE (Hà Lan) làm việc với doanh nghiệp tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang thực hiện các hợp đồng chuyển tiếp các container thanh long và chanh leo sang thị trường Hà Lan để phân phối tại hệ thống siêu thị; xúc tiến trao đổi với Công ty Natural (Bỉ) nhập khẩu các loại nông sản sản hữu cơ để phân phối cho mạng lưới 600 cửa hàng chuyên kinh doanh hữu cơ tại Bỉ, Luxembourg và các vùng phía Bắc của Pháp.
Để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển lưu thông thông suốt, đẩy mạnh các khâu sơ chế, hun trùng, kiểm dịch, hỗ trợ phí kiểm tra trước khi xuất khẩu; lấy mẫu và gửi mẫu sang thị trường EU để kiểm tra theo yêu cầu của thị trường EU và các nhà nhập khẩu.
Đánh giá dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam nên việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu còn là một thách thức lớn. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ngay các mặt hàng nông sản, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện Đề án Phân phối và Logistic. Qua đó thiết lập các kênh phân phối lớn giúp mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội thâm nhập và khẳng định vị trí tại thị trường EU; hỗ trợ doanh nghiệp có kế hoạch dài hơi nhằm giảm chi phí, tăng mức độ cạnh tranh, tăng tính chủ động về mặt logistic.
Với việc thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường EU thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kĩ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản cho đến khâu chế biến, chuyên chở để không vi phạm các quy định an toàn thực phẩm hiện hành của EU.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là, EU ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sản xuất xuất khẩu hàng hóa của nước thứ ba. Cụ thể, người chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải cam kết bảo đảm điều kiện làm việc tiêu chuẩn cho công nhân, bảo đảm sản xuất an toàn về con người và bảo vệ môi trường, nhất là không được sử dụng lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em. EU xem trọng các yếu tố trách nhiệm xã hội này của các doanh nghiệp như là điều kiện ràng buộc trong việc tiến hành giao dịch, kí kết và thực hiện mua bán hàng hóa với nước thứ ba.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản từng địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy những điểm sáng, tận dụng thời cơ, có kế hoạch phục hồi, phát triển ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Có như vậy mới đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.