Rời biển lên đồi làm kinh tế
Tuổi cao gương sáng 12/06/2018 09:24
Ông Vinh sinh năm 1957 trong một gia đình ngư dân tại làng biển Đông Thành, thị xã Đồng Hới. Tháng 4/1975 ông nhập ngũ, vốn giỏi bơi lặn lại có trình độ văn hóa nên được tuyển vào học Trường Sĩ quan Hải quân. Ra trường ông được điều về làm thuyền trưởng tàu săn ngầm thuộc vùng 3 Hải quân Đà Nẵng. Năm 1982, ông chuyển ngành làm thuyền trưởng tàu vận tải của Công ty Vận tải Biển Bình Trị Thiên. Năm 2002, ông nghỉ hưu nhưng vẫn hợp đồng làm thuyền trưởng tàu vận tải cho các công ty hàng hải trong nước cho đến cuối năm 2014 mới về Hải Thành sinh sống cùng vợ con.
Gần 40 năm phục vụ ngành hàng hải với 36 năm làm thuyền trưởng, ông Vinh trở lại quê nhà tìm hướng đi mới phù hợp với bản thân và gia đình. Sau một thời gian quan sát thị trường và tham quan một số mô hình làm kinh tế trong vùng, đầu năm 2015 ông quyết định lên vùng đồi mua đất làm gia trại, phát triển nghề nuôi thỏ.
Năm đầu tiên ông tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nhà ở, chuồng trại, trồng các loại rau màu phục vụ cho chăn nuôi và cuộc sống lâu dài. Ông vừa làm, vừa học kĩ thuật trên mạng internet, kết hợp với kinh nghiệm dân gian để nuôi thử 40 thỏ cái, 10 thỏ đực, nhưng kết quả thu được chỉ đủ bù đắp chi phí.
Ông Trương Vinh chăm sóc thỏ
Không nản chí, từ kinh nghiệm, kĩ thuật có được, ông tiếp tục mở mang chuồng trại, thả hàng trăm thỏ giống, trồng cây hoàn ngọc, tía tô làm thuốc chữa bệnh, trồng chuối, khoai lang kết hợp lá muống biển và thức ăn công nghệ để nuôi thỏ. Ngoài ra ông còn tự học làm bác sĩ thú y khám, chữa bệnh cho đàn thỏ. Hằng ngày, ông dậy từ 3 giờ sáng kiểm tra chuồng trại, thấy con thỏ nào "nhác ăn, nhác chơi" là lập tức điều trị ngay. Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, vệ sinh tốt, thức ăn phù hợp nên đàn thỏ khỏe mạnh, mau lớn, sinh trưởng đều đặn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 150kg thỏ thương phẩm.
Khi ổn định việc nuôi thỏ, ông phát triển nuôi gà, nuôi lợn rừng sinh sản. Ông mua 2 máy ấp trứng công suất 120 quả/máy, xây 2 dãy chuồng gà, 1 chuồng lợn, sáng chế máy thái chuối thay thế sức người để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tất cả chuồng trại ông đều tự làm, kể cả việc nề, mộc, cơ khí, không thuê mướn. Ngày ngày, con gái ông chở lá muống biển lên giúp chăm sóc vật nuôi hoặc làm vườn, vệ sinh chuồng trại. Hiện tại, ông có 2 khu chuồng thỏ diện tích gần 200m2, với 240 lồng sắt đủ hệ thống điện, nước, ánh sáng, làm mát, vệ sinh... nuôi 100 thỏ mẹ, 20 thỏ bố và 500 thỏ thịt sẵn sàng xuất bán. Cạnh đó là chuồng heo rừng 4 con bố mẹ, chuồng gà trên 100 con trống mái và đàn gà con mới nở.
Lên thăm gia trại, chúng tôi được ông đưa đi tham quan công trình của mình. Nhìn cảnh vật cùng hàng trăm con thỏ trắng muốt trong những chiếc lồng sắt vuông vức, sạch đẹp, chúng tôi thầm phục tính kiên trì, nhẫn nại, lòng quyết tâm, óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người cựu chiến binh.
Ông Vinh chia sẻ: "Tôi lên đây đã 3 năm, xa gia đình, vợ con, đôi lúc cũng thấy buồn, trống trải nhưng tự lấy công việc làm vui, vừa xây dựng vừa chăn nuôi, trồng trọt. Tuy thành quả bước đầu chưa nhiều, nhưng luôn có sự đồng tâm, hợp sức của vợ con, bạn bè, đồng đội. Sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tăng thêm vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao mức sống gia đình".
Chia tay ông Vinh, ai cũng cảm phục về một người con của biển, 40 năm xa nhà, 36 năm lênh đênh trên biển, nay gác lại tất cả, một mình lên vùng đồi làm kinh tế. Chắc chắn chỉ có truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" mới giúp ông có quyết tâm và bản lĩnh để thực hiện niềm đam mê khi đã ngoài 60 xuân.
Bài và ảnh Trần Ngọc Phơn