Rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội định kì 3 năm
Tin tức - Sự kiện 27/05/2024 17:37
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội |
Báo cáo tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, tại kì họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện BHXH.
Về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lí, dự thảo luật đã chỉnh lí theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lí chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.
Nhiều đại biểu có ý kiến, bổ sung về Luật Bảo hiểm xã hội |
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, UBTVQH thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, vấn đề này cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kĩ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kì, UBTVQH đã chỉ đạo ban soạn thảo chỉnh lí, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 21 theo hướng: “Định kì 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm.”.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lí gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.
Phát biểu tại hội trường, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tuy nhiên, cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện. Còn đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) yêu cầu phải xem xét cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Hay đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kĩ lưỡng, tính toán cụ thể. Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn... Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật BHXH hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động./.