Vào khoảng năm 1927 - 1930, thầy được gia đình gửi lên Việt Trì học. Sau ba năm, thầy đỗ bằng Xéc-ti-phi-ca, về Thái Bình dạy học ở xã Đông Đoài, huyện Vũ Tiên, sau về Phú Lễ làm gia sư ở nhà cụ Phạm Quế Phan. Cụ Phan là thân sinh của các ông Phạm Chiêm (Lê Trọng), Phạm Thế Truyền, Phạm Nhật Lệ, Phạm Thế Song, Phạm Trọng. Học trò của thầy San rất đông, thuộc mọi tầng lớp giàu, nghèo. Sau 6 năm làm gia sư, thầy trúng tuyển kì thi sát hạch và được bổ nhiệm làm hương sư - người giáo viên duy nhất được hưởng lương tháng của nhà nước bảo hộ dạy học ở đình Phú Lễ từ năm 1939 - 1945.
|
Ngôi trường tiểu học Tự Tân giờ đây đã khang trang. |
Năm 1949, thầy San được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1951, thầy cùng với ông Phạm Ngọc Đỉnh được công nhận làm giáo viên của Trường phổ thông cấp 1 xã Tự Tân. Năm học 1955 - 1956, thầy được đề bạt làm Hiệu trưởng trường này và là vị Hiệu trưởng đầu tiên của các ngành học ở Tự Tân. Trong cải cách ruộng đất, thầy San bị xử lí oan, nhưng sau sửa sai, được phục hồi Đảng tịch, phục chức Hiệu trưởng và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 1 Nam Hồng (Tiền Hải), Trường phổ thông cấp 1 Thuận Vy (Thư Trì). Thầy San nghỉ hưu năm 1970, mất năm 1985, thọ 72 tuổi. Với công lao đóng góp, thầy được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng III và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II.
Năm 2008, theo sáng kiến của ông Phạm Nhật Lệ, con trai cụ Quế Phan, 443 học trò cũ của thầy San thành lập Quỹ Khuyến học mang tên “Thầy giáo San” do ông Phạm Nhật Lệ làm Trưởng ban điều hành. Quỹ được xây dựng từ nguồn tài trợ của các cựu học sinh của thầy San và các thế hệ học sinh Trường Tiểu học Tự Tân. Mục đích gây quỹ là làm phần thưởng tặng học sinh học giỏi, hạnh kiểm tốt, học sinh đoạt giải trong các kì thi huyện, tỉnh, quốc gia; hỗ trợ kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiền quỹ gửi ngân hàng lấy lãi để chi cho việc khen thưởng. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ khuyến học "Thầy giáo San" đã phát thưởng cho hàng trăm lượt học sinh của Trường Tiểu học Tự Tân chăm ngoan, học giỏi, thi đỗ giải cao trong các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức.
Nhớ công ơn người Hiệu trưởng đầu tiên, ông Phạm Nhật Lệ nói: “Chuyện dạy học của thầy Phạm Ngọc San là cổ tích, sản phẩm mà thầy đóng góp cho đời là kì tích”. Bà Đinh Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tự Tân xúc động báo cáo: “Từ một trường làng, có một lớp học với dăm bảy chục học sinh ghép 4 trình độ, nay Trường Tiểu học Tự Tân đã có cơ ngơi khang trang 15 lớp với 398 học sinh, 32 giáo viên có trình độ đại học và cao đẳng sư phạm; là một trong 35 trường tiểu học của huyện đạt chuẩn quốc gia. Thầy trò Trường Tiểu học Tự Tân vô cùng biết ơn thầy Hiệu trưởng đầu tiên và 45 liệt sĩ là học trò cũ của thầy”.
Các học sinh của thầy San như ông Ngô văn Thâu, nguyên giảng viên Trường Đại học Pháp lí viết: “Trước Cách mạng tháng 8/1945 đến năm 1954, thầy đã đào tạo gần 500 học sinh, đến nay nhiều người đã 70 - 80 tuổi, 2 người trên 90 tuổi vẫn đến dự hội thảo tri ân và lập quỹ khuyến học mang tên thầy”. Còn ông Phạm Thế Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại mong các thầy, cô Trường Tiểu học Tự Tân tiếp bước xứng đáng với thầy San, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của xã Tự Tân không ngừng tiến lên.
Cao Bá Khoát