Phát huy tiềm năng thế mạnh vượt trội, xây dựng Thủ đô theo hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Tin tức - Sự kiện 21/06/2024 11:20
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6), trong đó tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều. Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá... nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Kì họp thứ 7, Quốc hội khoá XV |
Theo đó, quy hoạch thủ đô Hà Nội được xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch Thủ đô đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Cùng với đó, sẽ cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị...
Đánh giá về ý nghĩa của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐB Trương Xuân Cừ, (Hà Nội) cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. “Chúng ta đều biết Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là duy nhất. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước,” đại biểu nói.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì “các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội |
Đại biểu nhận định dự án Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. “Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi,” đại biểu Cừ bày tỏ.
Còn ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác là quy hoạch cho một địa phương, mà là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do vậy, ở đây phải có tất cả yếu tố hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước... ĐB Cường nhấn mạnh cần giải quyết 3 vấn đề lớn gồm: Một là giao thông, hai là thu gom nước thải và ba là cần phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn./.