Phát huy sức mạnh của mạng xã hội để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
Giáo dục 09/08/2021 17:11
Trong đó, vai trò của công tác truyền thông là vô cùng quan trọng và không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội, nhất là ở những tình huống mà các phương thức truyền thông khác gặp trở ngại khách quan. Theo nhận định của tạp chí hàng đầu Mỹ The Nation, chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua mạng xã hội là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch.
Có thể khẳng định, trong thời gian đại dịch, mạng xã hội được xem là “cây cầu” kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai lệnh phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với sức mạnh và ưu thế cập nhật nhanh chóng, những thông tin về dịch bệnh thông qua mạng xã hội đã đến được với người dân nhanh hơn, rộng rãi hơn. Từ đó, những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động được truyền đi mạnh mẽ hơn, giúp mọi người vững tin hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đặc biệt, thông qua kênh này, các văn bản chỉ đạo chính thống của cơ quan chức năng ban hành được nhiều người chia sẻ một cách kịp thời cũng trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt, những ngày gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện những câu chuyện cổ tích giữa đời thường của lực lượng chức năng cũng như người dân tiếp sức, hỗ trợ cho bà con di chuyển bằng xe máy từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn, cao cả của con người Việt Nam, càng khẳng định thêm giá trị của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống thì lại xuất hiện hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” trên mạng xã hội, ít nhiều gây hoang mang trong dư luận. Như nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về diễn biến bệnh và công tác phòng, chống Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đưa tin giả về số người chết do Covid-19 ở địa phương này, địa phương khác; đưa thông tin chưa kiểm chứng về hiệu quả của các loại vắcxin; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ... Trên các trang mạng nước ngoài còn xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc, ngoài trích dẫn nguồn thông tin sai lạc ở trong nước, họ còn bình luận ác ý nhằm gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, từ đó làm giảm niềm tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch của Nhà nước ta. Đặc biệt, mới đây lại xuất hiện những bài viết trên mạng có tính chất chia rẽ, kỳ thị vùng miền gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng… Đó thực sự là những thông tin vô cùng nguy hại bởi nó làm chia rẽ khối đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhiều người đã ví tác hại của tin giả, tin sai sự thật cũng nguy hại không kém virus SARS-CoV-2...
Có thể khẳng định, mạng xã hội như một “tờ báo” kết nối nhanh, chia sẻ rộng, nhưng hầu hết không có cơ quan chủ quản nên thông tin vẫn là tự phát, không được quản lý chặt chẽ, cho nên bình tĩnh để đưa và tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội rất cần được quan tâm trong lúc này. Vì vậy, thời gian tới, để phát huy và khai thác tối đa sức mạnh của mạng xã hội, chúng ta phải trở thành những người tham gia mạng xã hội thông minh để cùng chung tay phòng, chống dịch trên tinh thần kịp thời, chủ động, không hoang mang. Nắm bắt thông tin với một tâm thế sáng suốt, đoàn kết để chung tay đẩy lùi dịch bệnh là trách nhiệm của mỗi chúng ta, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.