Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm |
80% bệnh viện tuyến huyện đã có Phòng/tổ công tác xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Triển khai thực hiện Đề án 32, Bộ Y tế đã sớm ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 phê duyệt Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”. Đến nay, hoạt động công tác xã hội trong ngành y tế đã đạt những kết quả nhất định như: 100% các bệnh viện tuyến Trung ương, trên 90% bệnh viện tuyến tỉnh, hơn 80% bệnh viện tuyến huyện đã có Phòng/tổ công tác xã hội. Tỷ lệ nhân viên chuyên trách công tác xã hội, bán chuyên trách công tác xã hội, mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Việc triển khai hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện từ chỗ chỉ là những hoạt động tự phát, thiên về các hoạt động từ thiện, nay đã dần chuyên nghiệp, đa dạng các hoạt động và đi đúng với ý nghĩa của hoạt động công tác xã hội và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng được ghi nhận. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, khi Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện đã nhanh chóng thích ứng, hoạt động tích cực, phối hợp với các đơn vị trong Bệnh viện thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 góp phần không nhỏ trong thành công của toàn ngành.
Đại diện lãnh đạo BV Bạch Mai và Phòng CTXH đón nhận quà tặng dành cho bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại BV của Thứ trưởng Bộ LĐTB và Xã hội |
Từ ngày 01/6/2015, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập phòng Công tác xã hội. Trải qua 6 năm hình thành và phát triển, tuy non trẻ nhưng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai đã trợ giúp về tài chính cũng như nâng đỡ tinh thần cho hàng chục nghìn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi điều trị tại bệnh viện. Xuất phát từ thực tiễn đơn vị trực tiếp trợ giúp người bệnh, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc phụ trách Quản lý và điều hành bệnh viện chia sẻ: Cơ sở khám, chữa bệnh là môi trường đặc biệt, ở đó thầy thuốc và người bệnh đều căng thẳng, mệt mỏi cần sự trợ giúp. Tại bệnh viện, nhân viên CTXH có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất, là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan cho bệnh nhân và gia đình của họ trong quá trình điều trị; Nhân viên CTXH cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện. Chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần,…Ngoài ra, sau khi điều trị bệnh, nhân viên CTXH còn giúp bệnh nhân hồi phục và tái hòa nhập đời sống bình thường của gia đình và cộng đồng. Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai ra đời đã đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của Bệnh viện Bạch Mai, hướng tới mục tiêu CSSK toàn diện “y tế - tâm lý - xã hội”, từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa NVYT với người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao sự hài lòng và chất lượng KCB trong BV.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Phòng/Tổ công tác xã hội của các Bệnh viện trên cả nước |
Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi bày tỏ sự cảm kích trước nỗ lực của các nhân viên công tác xã hội: Trong mùa dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 và 2021, cán bộ nhân viên công tác xã hội tại hàng ngàn cơ sở y tế, cơ sở xã hội đã tận tụy ngày đêm chăm lo cho bệnh nhân, nhanh chóng thích ứng, hoạt động tích cực với các đơn vị và đã góp phần không nhỏ trong thành công của toàn ngành. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Hồi gửi lời chúc mừng tới toàn thể các đồng chí lãnh đạo, cán bộ ngành y tế, đặc biệt là cán bộ, viên chức công tác xã hội đang làm việc trong các bệnh viện, cơ sở y tế dồi dào sức khỏe, luôn giữ nhiệt huyết của những người làm công tác xã hội, luôn sẵn lòng “chở niềm tin” để “gieo hy vọng” cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để giúp ngành công tác xã hội trong y tế được phát triển vững mạnh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng gợi ra các nhóm giải pháp: Cần xây dựng Tiêu chuẩn ngạch bậc, tiêu chuẩn vị trí việc làm, các tiêu chuẩn đầu ra cho ngành công tác xã hội trong y tế; Tăng cường đào tạo, hoàn thiện nguồn lực công tác xã hội trong ngành y tế, vì y tế là một ngành lớn cần một lực lượng công tác xã hội tương ứng từ tuyến xã cho đến tuyến trung ương. Tôi mong chúng ta sẽ đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu và hết sức bài bản; Có các tài liệu hướng dẫn cụ thể về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như trong lĩnh vực điều trị các bệnh chuyên ngành; xây dựng tài liệu khung chương trình để từ đó làm tài liệu đào tạo chuẩn cho nhân viên công tác xã hội; Hoàn thiện chính sách, chế độ để tăng cường chế độ đãi ngộ cho cán bộ công tác xã hội... Bước sang Giai đoạn tới 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng đề nghị Unicef hỗ trợ về kỹ thuật cho ngành y tế để chúng ta hoàn thiện các tiêu chuẩn chức danh, đầu ra của nhân viên công tác xã hội trong từng lĩnh vực như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, hay điều trị dự phòng, điều trị cho người HIV/AIDS, lĩnh vực điều trị ung thư, nghiện....
35 tập thể và 45 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác xã hội được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ y tế |
Từ góc nhìn của Unicef, tham luận tại hội nghị bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam chia sẻ: “Trên khắp thế giới, nhân viên công tác xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế kể từ đầu thế kỷ XX. Nhân viên công tác xã hội giúp bệnh nhân và gia đình ứng phó với ốm đau, bệnh tật, khuyết tật và điều trị nội trú thông qua đáp ứng nhu cầu tâm lý xã hội. Sau khi ra viện, nhân viên công tác xã hội tiếp tục tham vấn, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình của họ những dịch vụ cần thiết cũng như thủ tục hưởng các chế độ, chính sách xã hội”. Bà Lesley Miller nhận định: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp luật và chính sách, đào tạo và cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cấp cơ sở cho trẻ em và gia đình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả bệnh viện và cơ sở y tế. Đáng chú ý, ở tất cả bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đều thành lập phòng công tác xã hội, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho những người dễ bị tổn thương nhất... Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ trong những năm qua, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển công tác xã hội như một nghề. Nếu không có sự công nhận của pháp luật về nghề công tác xã hội, nhân viên công tác xã hội không thể đóng vai trò quan trọng mà họ đã được đào tạo. Nếu không có sự công nhận chính thức về vị trí việc làm Công tác xã hội trong các lĩnh vực y tế, phúc lợi xã hội, giáo dục và tư pháp, Chính phủ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Để có thể giải quyết vấn đề này, bà Lesley Miller đưa ra 3 khuyến nghị: Thứ nhất, cần có một khung pháp lý mạnh mẽ hơn quy định vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội, các nguyên tắc và giá trị của nghề nghiệp, tiêu chuẩn và trình độ của nhân viên công tác xã hội. Cụ thể, Unicef khuyến nghị Việt Nam xây dựng luật về công tác xã hội. Trong đó quy định cụ thể về thực hành công tác xã hội cũng như sửa đổi các luật và chính sách liên quan để công nhận vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, phúc lợi, tư pháp và giáo dục; Thứ hai, điều kiện tiên quyết và cốt lõi đối với hệ thống phúc lợi xã hội hoạt động hiệu quả là việc đầu tư thỏa đáng vào việc tạo ra một số lượng vị trí việc làm công tác xã hội đầy đủ để có thể cung cấp các dịch vụ chuyen nghiệp, chất lượng cao. Các kỹ năng và sự sẵn có của nhân viên công tác xã hội, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế quyết định việc cung cấp các dịch vụ chuyên biệt và chuyên nghiệm, đặc biệt là những dịch vụ cho trẻ em, phụ nữ bị bạo lực và các vấn đề về sức khỏe tâm thần; Thứ ba, bà Lesley Miller chúc mừng Bộ Y tế gần đây đã ban hành Kế hoạch Phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Bà Lesley Miller khuyến nghị Bộ Y tế nên xây dựng một định nghĩa rõ ràng về công tác xã hội phù hợp với ngành y tế, bên cạnh đó xây dựng chính sách chính thức hóa vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực y tế.
Năm 2025, phấn đấu 100 % cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc có Phòng/Tổ Công tác xã hội
Trong một ngày làm việc tích cực, hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị đã lắng nghe tham luận của bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Unicef về “Vai trò của Công tác xã hội chuyên nghiệp trong chăm sóc sức khỏe và phòng chống bạo lực trong ngành y tế”; tham luận của PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế về: “Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030” và tham luận Báo cáo kết quả triển khai hoạt động công tác trong phòng chống Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai...
Với vai trò lãnh đạo ngành y tế, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 712/QĐ-BYT ngày 21/3/2022 ban hành Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thông văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý về công tác xã hội trong y tế; Hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân và đào tạo Thạc sỹ về công tác xã hội trong y tế; Phấn đấu đến năm 2025, 100 % các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc có thành lập phòng, tổ công tác xã hội. Phát triển mô hình công tác xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng chuyên nghiệp; Thực hiện triển khai hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở y tế dự phòng...