Phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh ở Hà Nội
Tin tức - Sự kiện 13/08/2021 19:52
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp |
Ngày 13/8, sau khi thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố.
Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo một số bộ, ngành và thành phố Hà Nội tại các đầu cầu trực tuyến.
Theo gợi ý của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc nêu bài học chống dịch ở Hà Nội, nhiều đại biểu dự họp đánh giá, Hà Nội đã chủ động chiến lược làm sạch cộng đồng bằng cách ly F1, tách F0 ra khỏi cộng đồng và điều trị, giúp các khu điều trị không lâm vào tình trạng quá tải.
“Chúng ta chấp nhận tốn kém chi phí, nhưng lại bảo đảm việc xét nghiệm để bóc nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, tức là đối với vùng đỏ thì phải làm xét nghiệm đồng bộ. Trong vùng xanh cũng có đối tượng đỏ, tức đối tượng có nguy cơ, thì ở đây, Hà Nội đã làm đúng. 1,5 triệu xét nghiệm PCR, 2 triệu test nhanh, tổng cộng 3,5 triệu, như vậy đáp ứng được yêu cầu”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
"Tôi thấy chủ trương, cách làm của Hà Nội là đúng, sát thực tế và hiệu quả, được sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của nhân dân, đúng theo phương châm tin vào dân, dựa vào dân và vì cuộc sống của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội anh hùng đã có những thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống đợt dịch lần thứ 4, trong đó có việc áp dụng từ sớm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ một cách quyết liệt, cụ thể.
Hà Nội, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ và đặc biệt là một trung tâm giao thương, đầu mối giao thông cả nước nên dễ bị lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trên diện rộng vì dân số đông. Vì vậy, ưu tiên của Bộ Chính trị, của Trung ương là cần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đưa Thủ đô thành nơi an toàn, thành hậu phương quan trọng, vững chắc, từ đó có thể kết nối với các tỉnh khác và chi viện cho các địa phương đang bị tác động nặng nề của COVID-19.
"Tôi cho rằng, Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, giúp tạo bức tường thành ngăn chặn đại dịch lây lan, tránh nguy cơ khủng hoảng lây lan dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng kinh tế-xã hội”, Chủ tịch nước nói.
Tán thành với các bài học mà đại biểu dự họp nêu ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hà Nội đã rất đúng khi áp dụng phương châm 4 tại chỗ, 5 tại chỗ, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng từ sớm, giảm lây lan, từ đó giảm số ca tử vong. Hà Nội cũng chủ động 6.000 giường bệnh điều trị ca F0 và có thể nâng lên 30.000 trong thời gian tới; chuẩn trên 62.000 chỗ cách ly F1; sẵn sàng điều trị phương án “5 tầng”. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động tốt lực lượng y tế, công an, quân đội chống dịch.
“Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố đã lắng nghe ý kiến của người dân, đơn giản thủ tục hành chính nhanh hơn, sửa sai nhanh hơn trong an sinh xã hội, đi lại, vận chuyển hàng hóa đối với người dân. Xác nhận của các đồng chí về đi lại đã được bãi bỏ”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn |
Không chọn giải pháp đẩy phần khó cho người dân
Như mọi sự nghiệp khác của đất nước, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, cần luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của chính quyền, cấp ủy, từ đó mọi hành động, chính sách đều hướng tới bảo vệ, chăm lo cho dân. Nhắc lại việc vừa rồi có nhiều giấy xác nhận cư trú, giấy phép cung cấp hàng hóa của shipper…, Chủ tịch nước yêu cầu quan tâm đến suy nghĩ của người dân, không chọn giải pháp phần dễ cho chính quyền, phần khó cho người dân. Khi ban hành các chính sách, phải lường trước mặt trái, khó khăn, trở ngại của người dân có thể gặp phải để có giải pháp đi kèm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn: “Một là, quan tâm đến hiệu quả của “5 trụ cột” trong phòng chống dịch, gồm: Giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vaccine và công nghệ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến dịch ở từng khu vực, từng địa bàn phải giãn cách. Qua kiểm tra, tôi thấy giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm. Về xét nghiệm, xem xét tăng cường năng lượng xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao bằng hình thức xã hội hóa mà như Giám đốc Sở Y tế đã tuyên bố 1,3 triệu người trong vùng đỏ sẽ tiếp tục được xét nghiệm để sàng lọc. Về điều trị, nên tăng cường năng lực tầng dưới, giảm tải tầng trên, cần tập huấn hệ thống y tế cơ sở, kể cả tổ công tác COVID-19. Tiếp tục phát huy vai trò tổ COVID cộng đồng, một bài học kinh nghiệm. Mỗi người dân có dấu hiệu ho, sốt đều phải được quan tâm xử lý kịp thời”.
Chủ tịch nước cho rằng, vaccine là vấn đề chiến lược giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong. Do đó, Hà Nội có chiến lược tiêm hợp lý, nhất là ở những vùng đỏ và quan tâm đến người cao tuổi, bệnh nền, người nghèo…
Nhắc lại trường hợp chiến sĩ công an hy sinh vì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 mới đây, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội bảo vệ tốt nhất, an toàn cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu khác bằng tiêm hai mũi càng sớm càng tốt.
Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội tính toán phương án kết hợp phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp, để có nguồn lực chống dịch bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội, nhưng trước tiên là chống dịch. Cùng với đó, có kế hoạch lâu dài để tái thiết lại nền kinh tế khi kiểm soát được dịch.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Hà Nội 40 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19.