Ông Sáu thuyền nan
Tuổi cao gương sáng 06/06/2024 18:07
Ông Nguyễn Anh Sáu, sinh năm 1958, trong một gia đình có truyền thống làm nghề đan ngư cụ đánh bắt thủy sản như; thuyền nan, và các loại lờ, giọng, nơm, đụt, đó...theo lời ông kể đến đời ông là đời thứ 10 làm nghề này.
Những chiếc thuyền nan được chế tác từ đôi bàn tay tài hoa của ông Nguyễn Anh Sáu |
Tháng 5/1979, đang làm công nhân thuộc Công ty thủy lợi Quảng Ninh, theo lời hiệu triệu tổng động viên của Chủ tịch nước ông Nguyễn Anh Sáu lên đường nhập ngũ vào Lực lượng Công an nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) trực tiếp tham gia bảo vệ vùng biên giới biển đảo tỉnh Quảng Ninh. Sau hơn 5 năm phục vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội, thay vì việc chuyển ngành về cơ quan cũ ông xin phục viên về địa phương gắn bó với nghề đan thuyền nan và ngư cụ mà cha, ông truyền lại. Ông Nguyễn Anh Sáu chia sẻ; Cũng giống như rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, sản phẩm của làng nghề Hưng Học đang mất dần, bởi nhu cầu thị trường giảm, hơn nữa làm nghề này thu nhập thấp, vì thế số người lao động gắn bó với nghề truyền thống giảm từ 245 hộ năm 2011 thì đến năm 2023 chỉ còn gần 20 hộ. Tuy nhiên việc sản xuất không phải thường xuyên mà chỉ trong khoảng thời gian nông nhàn hay khi có đơn đặt hàng. Ông Sáu cho biết thêm; nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi làm được từ 3 đến 5 chiếc thuyền nan to, tải trọng từ một đến ba tấn và khoảng 200-300 chiếc lờ, chiếc đó các loại phục vụ ngư dân làm nghề chài lưới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, tôi chủ yếu sản xuất sản phẩm dưới hình thức hàng lưu niệm để bán cho người có nhu cầu mua về làm đồ trang trí trong gia đình, cửa hàng, cửa hiệu và bán cho du khách nước ngoài. Sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ của ông Sáu đã được công nhận là thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh. Nói về việc làm và thu nhập mỗi sản phẩm mô hình thuyền nan được bán ra thị trường giúp ông Sáu thu về từ 2 đến 5 triệu đồng, tùy theo kích thước to nhỏ.
Sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ của ông Nguyễn Anh Sáu đạt giải tại Cuộc thi sáng tạo sáng tạo các sản phẩm du lịch, quảng bá thương hiệu Quảng Ninh và được công nhận là thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh. |
Được biết, nhiều năm qua sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ của ông Nguyễn Anh Sáu ngoài tham gia giới thiệu sản phẩm tại hội chợ tổ chức ở Quảng Ninh và được gửi gửi tham gia hội chợ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Đà Nẵng, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh và các hội chợ thương mại Việt -Trung. Tâm sự về nghề ông chia sẻ; Sản phẩm làm ra được du khách đón nhận ông cảm thấy rất vui vì vừa có thêm thu nhập, vừa quảng bá, giới thiệu được làng nghề đến với người dân ở các địa phương khác cũng như du khách quốc tế. Tiếng lành đồn xa, khuôn viên chế tác sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ của gia đình ông hiện là điểm tham quan du lịch trải nghiệm làng nghề trên địa bàn thị xã Quảng Yên.
Ngoài việc tạo ra các sản phẩm thuyền nan, ông Nguyễn Anh Sáu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như các ngư cụ đánh bắt thủy hải sản và các vật dụng phục vụ cho nông nghiệp, làm quà tặng, sản phẩm lưu niệm cho du khách. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hướng, Bí thư Đảng ủy phường Nam Hòa cho biết: Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học tại phường Nam Hòa, là một trong 3 làng nghề trên địa bàn thị xã Quảng Yên, được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định công nhận làng nghề truyền thống từ tháng 11/2014. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ từng bước nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Xuất phát từ tình hình thực tế như thị trường ngày một suy giảm, nhiều lớp nghệ nhân nỗ lực giữ gìn nghề, chuyển đổi nghề như nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu là đáng trân trọng, tuy nhiên địa phương cũng không khỏi lo lắng trước những thay đổi, mai một và sự kế cận của lớp thanh niên trẻ. Trước thực trạng này, thị xã Quảng Yên đã quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2021 -2025; trong đó có làng nghề đan ngư cụ Hưng Học - Nam Hòa của địa phương chúng tôi.
Bảo tồn, duy trì và nâng tầm các sản phẩm ngành nghề truyền thống của ông cha truyền lại đó là nét đẹp của người cựu chiến binh, hội viên Hội NCT Nguyễn Anh Sáu, người mà cả trăm đồng đội anh những người tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa cũng như những người dân của phường Nam Hòa thường gọi anh bằng cái tên trìu mến ông Sáu thuyền nan.