Ông barie...
Tuổi cao gương sáng 28/03/2023 11:00
Ngã ba chết chóc
Đó là ngã ba điểm cắt giữa Km 87 +400 rẽ từ quốc lộ 5 vào đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua xã Lê Thiện, huyện An Dương. TP Hải Phòng. Người ta gọi đây là “ngã ba chết chóc” bởi mấy chục năm qua, hàng chục nhân mạng đã chết dưới bánh tàu hỏa, nhiều người bị thương nặng, hàng chục ô tô, công nông, xe máy, xe đạp cũng tan nát…
Thế nên vào các ngày rằm hay đầu tháng, lại có người mang hương đèn đến ngã ba này khấn vái, khóc lóc, thương xót cho những người xấu số.
Barie ông Xá
Không chỉ cán bộ, Nhân dân huyện An Dương gọi ông Xá như thế, mà cả những cán bộ, công nhân ngành đường sắt khu vực TP Hải Phòng đều gọi ông Xá như vậy.
Dù có lúc ốm đau, chân không muốn bước nhưng nghĩ tới tai nạn rình rập người dân, ông lại gắng gượng ra gác tàu. |
Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Xá đã tự nguyện làm gác chắn và cứu nhiều người thoát chết khi vượt qua đường sắt. Ông Xá là giáo viên nghỉ hưu, cùng vợ bán quán nước nhỏ ngay sát đường tỉnh lộ. Đây là khu vực đông người và xe cộ qua lại. Khách vào thành phố, công nhân vào các khu công nghiệp, rồi còn dân các xã Lê Thiện, Dụ Nghĩa và cả cán bộ huyện An Dương nữa… nhất là những giờ cao điểm, mà đường tàu không có gác chắn “Nên mỗi khi có tàu lao qua là tôi giật thót cả người. Kinh hoàng nhất là giờ tan học, hàng trăm học sinh túa ra, đi qua đường sắt, gặp khi tàu lao tới, cả đám học trò mải nghịch ngợm, hò hét không để ý, chỉ sơ sẩy là tàu nó lùa cả chục đứa. Thế nên tôi vừa bán nước vừa canh chừng... Công việc chỉ có vậy thôi!”
Nhẩn nha một hồi ông kể tiếp: “Tôi và bà vợ tôi bán quán nước từ sáng đến chiều tối. Thời gian ở quán, tôi canh chừng đoạn đường sắt. Nếu nghe tiếng tàu hòa tới gần mà nhìn thấy ô tô, xe máy, xe đạp hay người đi bộ vượt qua là tôi chạy ra hò hét giữ lại”. Hình ảnh ông Xá lao ra khỏi quán, bất kể ngày nắng hay lúc mưa gió, một tay cầm còi, một tay huơ huơ lên trời, miệng cố gắng gào to: “Tàu đến! Tàu đến!”đã quá quen thuộc với người dân thường xuyên qua lại trên cung đường này. Châm một điếu thuốc rít ngon lành, ông kể: “Có nhiều người ngồi trên xe ô tô, thấy ông già lụ khụ như tôi quần áo xộc xệch, chân đất, lao ra chặn đầu xe thì nổi cáu, thét vào mặt tôi: “Điên à!”, “Muốn chết à!”, nhưng sau đó nhìn thấy một đoàn tàu sầm sập lao qua họ mới sực hiểu. Tiếng ông Xá trầm xuống: “Nhưng tôi không thể ngồi canh suốt ngày suốt đêm, còn phải lo việc nhà... Mà tôi cũng đã 73 tuổi, gần đất xa trời rồi. Sao họ không làm lấy cái barie?”. Tôi hỏi: “Nhưng mà cháu nghe nói gần một năm nay, ngành đường sắt đã lắt đặt tại ngã ba một trạm báo động tàu tự động rồi mà”. Ông Xá cười, nhưng tiếng cười lại không vui chút nào...
Báo động “điên”
Ông Xá cho biết: “Hệ thống báo động tàu đến đã được lắp đặt ở đây gần một năm nay. Thế nhưng cứ vài ba hôm lại bị hỏng. Nhiều khi tàu đến thì “im như thóc”, đợi đến lúc tàu đi qua mới báo động. Nhưng có ngày, còi báo động và tiếng của cô phát thanh viên ra rả từ sáng đến tối không biết đằng nào mà lần. Vì thế ở đây người dân gọi đó là hệ thống báo động “điên”.
Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện tha thiết nhờ tôi viết báo phản ánh nguyện vọng của Nhân dân An Dương, cụ thể như sau: “Bà con chúng tôi khẩn thiết yêu cầu ngành đường sắt phải xây dựng ngay tại đây một trạm gác chắn. Chỉ có cách đó mới khỏi xảy ra tai nạn. Một mình ông Xá và vợ ông dù đã tự nguyện làm barie cho Nhân dân suốt hơn 10 năm nhưng sức không thể kham nổi việc giữ gìn an toàn đường sắt tại đây mãi được... Yêu cầu cấp thiết và chính đáng như vậy, sao ngành đường sắt cứ làm ngơ”.
Và ngày ngày, ông Xá vẫn tình nguyện làm barie sống… cũng không biết ông còn đủ sức làm đến bao giờ.