Ở nơi phát tích của nghề trồng lúa nước của người Việt
Tin tức 29/04/2023 08:24
Minh Nông đã khoác áo mới |
Cùng với chiều dài của lịch sử, mảnh đất Minh Nông ngày ấy bây giờ đã “thay da, đổi thịt”, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thiết thực góp phần quan trọng xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc…
Minh Nông có vị thế địa lý tiếp giáp với hạ lưu của 3 dòng sông lớn gồm sông Thao, sông Đà, sông Lô nên được thừa hưởng sự cung cấp, đắp bồi bởi một lượng lớn phù sa màu mỡ.
Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy để làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước.
Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.
Mùa xuân, Vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mỵ nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.
Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng đã tôn làm ông tổ nghề nông và dựng Đàn Tịch điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất Vua ngồi khi dạy dân cấy lúa; đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.
Minh nông nơi cái nôi của nền nôi của nền văn minh lúa nước |
Đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc thời đại Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, năm 2018, UBND TP Việt Trì đã tổ chức khôi phục lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, tưởng nhớ, tri ân công lao của Vua Hùng từ ngày đầu dựng nước, khai sáng ra nghề nông.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, phường Minh Nông vinh dự được gìn giữ và bảo tồn Lễ hội Tịch Điền - là một trong những tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp Việt Nam.
Ông Phùng Văn Binh, ở khu Minh Bột, TP. Việt Trì cho biết: “Bản thân tôi và gia đình thấy rất tự hào cũng như trách nhiệm lớn lao khi đã có gần 20 năm bố tôi và tôi được lựa chọn để đóng vai Vua Hùng dạy dân cấy lúa trong lễ hội. Trong tâm thức mỗi người dân chúng tôi luôn biết trân trọng giá trị và nguồn gốc của nghề trồng lúa từ thời Hùng Vương dựng nước”.
Tiếp bước cha ông, trải qua bao nhiêu khó khăn của lịch sử dân tộc, các thế hệ nhân dân làng Minh Nông ngày ấy vẫn một lòng kiên trung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương trù phú, xứng đáng là nơi phát tích của nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam.
Phường Minh Nông, từ một xã thuần nông xưa kia, đến nay, đã có mặt các nhà máy, xí nghiệp, các công trường xây dựng của đất nước thời đổi mới. Các nhà máy và công trình đó như mang theo cả khát vọng của Vua Hùng về tương lai tươi sáng cho cháu con.
Ngoài ra, phường Minh Nông đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm như các khu đô thị: Đồng Láng Cầu, Đồng Gia, Hạ Bạn; hệ thống điện - đường - trường - trạm khang trang, đồng bộ; các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, phường Minh Nông hiện có 7/7 khu dân cư, với hơn 13 nghìn nhân khẩu; thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.
Đàn Tịch Điền - theo truyền thuyết là nơi phát tích lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: Thúy Hằng - Báo Phú Thọ |
Đại diện lãnh đạo phường Minh Nông cho biết: "Tự hào là địa phương gắn liền với truyền thuyết lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa lan tỏa ra cuộc sống cộng đồng.
Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế đô thị theo hướng hiện đại gắn với chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ. Đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, kết hợp phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân. Đây là một mục tiêu lớn để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương".